Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sốt xuất huyết vào mùa, trẻ sơ sinh cũng nhập viện


 

Không chỉ người lớn, trẻ em, mà nhiều trẻ sơ sinh 5 - 6 ngày tuổi cũng phải nhập viện khi Hà Nội bước vào mùa cao điểm sốt xuất huyết.

 

Các bác sĩ cũng cảnh báo việc tự ý điều trị bệnh gây ra nhiều nguy cơ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ 5 ngày tuổi nhập viện vì sốt xuất huyết

 

 

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngay trước thềm năm học mới, bé H.T.T.T. (6 tuổi, H.Đan Phượng, TP.Hà Nội) lại phải nhập viện vì sốt xuất huyết. Điều đáng nói, T. là người thứ ba trong gia đình mắc phải căn bệnh này. Trước đó, anh trai của T. có biểu hiện bỏ ăn, nôn trớ và sốt cao tới 400C nhưng cả nhà không ai nghĩ trẻ bị sốt xuất huyết. Tới khi ông ngoại của hai bé cũng sốt và xuất hiện nhiều nốt trên người, cả nhà mới tá hỏa đưa các trẻ vào bệnh viện (BV). Khi vào viện, trẻ bị hạ tiểu cầu, mệt mỏi và liên tục mè nheo vì đau nhức đầu, chân tay.

Cùng nằm ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cháu M.M.Đ. (9 tuổi, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) bất ngờ khi được phát hiện mắc sốt xuất huyết. Gia đình bệnh nhi cho hay, năm lớp Một, Đ. đã một lần bị sốt xuất huyết và điều trị ở nhà. Vì vậy, năm nay, dù thấy cháu có biểu hiện sốt cao, đau đầu nhưng gia đình chỉ nghĩ cháu bị sốt siêu vi thông thường. Dù không nghĩ con bị sốt xuất huyết nhưng thấy cháu sốt cao và thêm cả triệu chứng chóng mặt, mệt lả nên gia đình vẫn đưa vào viện để khám.


Tiến sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Nhi Trung ương, cho biết, từ tháng Tám đến tháng Mười hằng năm là cao điểm sốt xuất huyết do mưa nhiều và muỗi phát triển, sinh sôi mạnh. Nếu như đầu năm chỉ xuất hiện một vài ca bệnh thì tới nay, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 60 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó đang điều trị gần chục bệnh nhân.

Theo BS Lâm, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết rải rác ở các độ tuổi khác nhau, song đáng lưu ý, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh cũng đã phải nhập viện. Mới đây, BV tiếp nhận một bệnh nhi 5 ngày tuổi. Mẹ của bé cũng mắc sốt xuất huyết cùng thời điểm. May mắn, với trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, thông thường bệnh không tiến triển quá nặng, trẻ có khả năng phục hồi tốt.

Con xuất huyết tiêu hóa vì mẹ tự ý dùng thuốc
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua đã ghi nhận thêm 228 ca sốt xuất huyết, tăng 76 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có hơn 1.800 trường hợp mắc phải căn bệnh do muỗi đốt này. Dù giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tới thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có hai trường hợp tử vong.

Mới đây, một bệnh nhân nam (57 tuổi, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) sau khi biết mình mắc sốt xuất huyết đã tự mua thuốc về nhà điều trị. Khi tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân mới vào viện điều trị nhưng men gan đã tăng cao và suy thận, suy đa tạng. Bệnh nhân được chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng không qua khỏi.


BS Lâm cảnh báo, việc bệnh nhân và các gia đình tự mua thuốc điều trị sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm: "BV đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh sau khi dùng paracetamol để hạ sốt cho con nhưng không thấy tác dụng đã chuyển sang Ibuprofen. Hậu quả, khi nhập viện, bệnh nhi đã bị xuất huyết đường tiêu hóa do Ibuprofen chống chỉ định trong các trường hợp bị sốt do mắc sốt xuất huyết".

Theo BS Lâm, khi trẻ mắc sốt xuất huyết cũng có các triệu chứng khởi phát là sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn. Nguyên tắc đầu tiên, cha mẹ phải xác định trẻ mắc bệnh gì, đưa con tới cơ sở y tế để khám. Các BS sẽ hướng dẫn cụ thể, trẻ có thể nhập viện nhưng cũng có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Đối với sốt xuất huyết, việc quan trọng là phải hạ sốt đúng cách, theo dõi sát nếu trẻ có nôn, đái ít, mệt mỏi, kém ăn hoặc xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa, thậm chí lơ mơ, ngủ gà, li bì...

Nguy cơ dịch kép sốt xuất huyết và COVID-19
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Bạch Mai, nhận định mùa dịch SXH năm nay có nhiều vấn đề lo ngại do trùng với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. SXH đang xuất hiện nhiều ở quốc gia châu Mỹ - Latin và một số nước Đông Nam Á như Singapore, Philippines.

Lo sợ dịch bệnh, người dân hạn chế tới BV thăm khám làm tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong đối với bệnh nhân SXH. Theo BS Cường, đều là bệnh do vi-rút gây ra nên SXH và COVID-19 đều có biểu hiện sốt, đau mỏi người. Tuy nhiên, người mắc COVID-19 có thể có các biểu hiện liên quan tới đường hô hấp như ho, khó thở... Còn SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Bên cạnh đó, BS Đỗ Duy Cường cũng cảnh báo một số biểu hiện của SXH trong giai đoạn nặng, Theo đó, bệnh nhân có thể có các biểu hiện xuất huyết trên da dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết. Xuất hiện vết bầm tím nơi tiêm truyền, lấy máu.

Bệnh nhân xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt. Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết đường tiêu hóa dẫn tới đi ngoài ra máu; xuất huyết máu phổi dẫn tới ho ra máu; chảy máu trong cơ dẫn tới bầm tím nhiều nơi trên cơ thể...

Theo phunuonline