Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Suy giáp ở trẻ em, trẻ vị thành niên và cách điều trị


Suy giáp là hiện tượng mà tuyến giáp không thể cung cấp đủ hormon để cho cơ thể hoạt động bình thường (hay nói cách khác là tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả).

Nguyên nhân gây ra suy giáp ở trẻ em, trẻ vị thanh niên

Ở trẻ em, suy giáp có thể xuất hiện ngay sau sinh (một tình trạng gọi là suy giáp bẩm sinh) hoặc có thể phát triển sau này trong thời thơ ấu. Khi tuyến giáp ngừng hoạt động mặc dù có thể coi là bình thường trong thời kỳ sơ sinh, nó vẫn được gọi là suy giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto (còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn) là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên (và người lớn), chứng bệnh này thường xuất hiệntrong những năm đầu đời. Viêm tuyến giáp Hashimoto, là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch (thường bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của bệnh nhiễm trùng) nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp với các tác nhân lạđồng thời tấn công chúng và dẫn đến viêm tuyến giáp.

Theo thời gian, tình trạng viêm làm tổn thương tuyến giáp, dẫn đến giảm dần nồng độ hormone tuyến giáp. Một khi nồng độ hormon giáp giảm xuống dưới mức bình thường (được gọi là suy giáp), tuyến yên sẽ đáp ứng bằng cách tạo ra nhiều hormon kích thích tuyến giáp (TSH) để cố gắng làm cho tuyến giáp hoạt động mạnh hơn và tăng mức độ hormone tuyến giáp. Viêm tuyến giáp Hashimoto vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân, nhưng người ta thấy bệnh này có thể di truyền.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh suy giáp ở trẻ em bao gồm:

Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp tạm thời do nhiễm virus.

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp: Để điều trị u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bướu giáp lồi mặt.

Điều trị phóng xạ: Gây phá hủy hoặc làm tổn thương tuyến giáp, bao gồm iốt phóng xạ để điều trị bệnh bướu giáp lồi mắt, hoặc xạ trị vào vùng cổ để điều trị bệnh Hodgkin, bệnh ung thư hạch hoặc ung thư khác.

Các loại thuốc như: lithium, amiodarone và oxcarbazepine có thể gây cản trở hoạt động tuyến giáp.

Ăn quá nhiều hoặc quá ít iốt làm tuyến giáp hoạt động bất thường.

Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên trong não sẽ quy định lượng hormon mà tuyến giáp tạo ra. Khi tuyến yên bị tổn thương, nó có thể không tạo đủ TSH để đảm bảo chức năng tuyến giáp bình thường.

Ảnh minh họa

Cách điều trị

Trẻ em bị suy giáp quá mức (TSH tăng và nồng độ T4 thấp) được điều trị bằng cách thay thế hormone. Mục tiêu là đưa T4 và TSH về ngưỡng bình thường và khôi phục các chức năng bình thường của cơ thể. Phần lớn bệnh nhân có thể đạt được mức hormone tuyến giáp bình thường bằng cách uống thuốc levothyroxin (chỉ T4) mỗi ngày một lần.

Thời điểm lý tưởng để dùng levothyroxin là khi bụng đói, ít nhất 30 phút trước khi ăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dùng levothyroxin đều đặn, vào thời điểm dễ nhớ và tránh quên thuốc. Nếu quên thuốc nên uống ngay khi nhớ ra.

Có một số loại thuốc khác không nên dùng cùng lúc với levothyroxin, bao gồm: canxi hoặc sắt hoặc vitamin. Nếu đang sử dụng biotin liều cao để giúp tóc và móng chắc khỏe, thì nên ngừng sử dụng biotin 2 ngày trước khi xét nghiệm tuyến giáp vì biotin có thể gây sai lệch kết quả.

Biotin có thể được dùng trở lại sau khi thăm khám. Nếu bạn có ý định dùng thêm thuốc hoặc thực phẩm bổ sung cho trẻ hãy trao đổi ngay với bác sĩ.

Các dạng khác của hormone tuyến giáp, bao gồm một dạng làm từ tuyến giáp lợn dehydrat hoá cũng là 1 dạng Hormon T3 được gọi là Cytomel. Có những nghiên cứu và tranh luận đang diễn ra để xác định lợi ích thực sự của Cytomel, lẽ vậy mà hiện tại Cytomel chưa được khuyến cáo rộng rãi cho tất cả bệnh nhân suy giáp.

TS.BS. Lê Thị Việt Hà

(Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương)

Nguồn https://suckhoedoisong.vn