Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tưởng con chỉ bị sốt thông thường nhưng đi khám phát hiện mắc bệnh nguy hiểm, bố mẹ lưu ý vì rất dễ nhầm sang bệnh khác


 

Nhiều bà mẹ trẻ lo lắng không biết nguyên nhân tại sao con mình lại thường xuyên ngủ "ngáy". Vậy liệu "ngáy" có phải là triệu chứng cảnh báo trẻ đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe hay không.

 

Gần đây, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trẻ ngủ ngáy thường xuyên có thể trẻ đang mắc chứng rối loạn thở trong khi ngủ. Rối loạn thở khi ngủ (SDB) nhẹ hay ngáy ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề tương tự như ngưng thở khi ngủ (OSA) ở trẻ em. Khoảng 10% trẻ em ngáy thường xuyên và khoảng 2-4% trẻ em có tình trạng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ (OSA).

Rối loạn thở khi ngủ (SDB) là một thuật ngữ chung chỉ tình trạng thở khó trong suốt thời gian ngủ. SDB có thể biểu hiện tình trạng ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ . Còn OSA-là tình trạng lặp đi lặp lại sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở trong khi ngủ. Khi hơi thở của trẻ bị gián đoạn trong lúc ngủ, cơ thể của trẻ sẽ cảm nhận điều này như một hiện tượng nghẹt thở với nhịp tim chậm, huyết áp tăng, não bị kích thích và giấc ngủ bị gián đoạn; nồng độ oxy trong máu cũng có thể giảm nhiều.

 

 

Khoảng 10% trẻ em ngáy thường xuyên.

Nhận biết trẻ có vấn đề về thở khi ngủ

Biển hiện rõ ràng nhất của rối loạn thở trong khi ngủ là "ngáy". Trẻ "ngáy" tăng dần, âm thanh lớn dần và bị ngắt quãng khi đường thở bị tắc hoàn toàn, lúc đó trẻ sẽ thở hổn hển và âm thở nghẹt mũi to, sau đó trẻ sẽ thức giấc. Do đó, trẻ ngủ không đủ giấc, buồn ngủ vào ban ngày, giảm tập trung, rất dễ bị kích động, trẻ bị tăng động hoặc hiếu động quá mức, một vài trẻ bị đái dầm.

Nguyên nhân thực thể gây hẹp đường thở dẫn đến SDB là phì đại amydan và viêm V.A. Thừa cân, béo phì làm gia tăng nguy cơ dẫn đến SDB, vì những trẻ này có lớp mỡ vùng cổ, họng làm hẹp đường thở của trẻ ở tư thế nằm. Bất thường về hàm dưới hoặc lưỡi do suy yếu thần kinh cơ hay gặp ở trẻ bại não cũng là yếu tố dẫn đến SDB.

Những tác hại do rối loạn thở trong khi ngủ ở trẻ

Xã hội: tiếng ngáy ngủ của trẻ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của những trẻ khác khi ngủ chung một phòng ở nhà hoặc trường học.

Học tập: do ngủ không đủ giấc, nên trẻ hay buồn ngủ ban ngày, ủ rũ dẫn đến giảm tập trung khi học hoặc làm việc.

Đái dầm: SDB có thể làm tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, có thể dẫn đến đái dầm.

Tăng trưởng: SDB có thể làm cho việc sản xuất hormone tăng trưởng giảm, dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng và phát triển ở trẻ.

Béo phì: SBD có thể làm cho cơ thể trẻ tăng sức đề kháng với insulin; ban ngày mệt mỏi nên giảm hoạt động thể chất, tình trạng này là yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì.

Tim mạch: tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể liên quan với việc tăng nguy cơ cao huyết áp, những bệnh tim mạch khác và bệnh ở phổi.

Cảnh báo nguy cơ rối loạn thở trong khi ngủ ở trẻ - Ảnh 2.
Những biểu hiện cần lưu ý

Nếu bạn thấy trẻ ngáy to thường xuyên, thở hổn hển, khụt khịt hít mạnh, đái dầm mà không giải thích được nguyên nhân, nên nghĩ đến trẻ có vấn đề về rối loạn thở trong khi ngủ. Trẻ có những thay đổi về hành vi và tâm lý như: tâm trạng trẻ bất ổn, dễ bị kích động, cáu gắt, có những hành vi không tốt, hay buồn ngủ ban ngày, kết quả học tập kém hơn. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ có vấn đề về học tập hoặc hành vi không tốt đều là bị SDB, nhưng nếu một đứa trẻ có những biểu hiện bất ổn về hành vi, tâm lý và có những triệu chứng rối loạn thở khi ngủ kể trên, bạn nên dẫn trẻ đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được thăm khám toàn diện.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ đa khoa có thể chẩn đoán SDB dựa trên bệnh sử và khám thực thể. Những trẻ dưới 3 tuổi có sự thay đổi về hành vi và tâm lý hoặc những trẻ bị OSA nặng (là những trẻ có biểu hiện hội chứng sọ mặt, béo phì, rối loạn thần kinh cơ) sẽ được đề nghị làm thêm một vài xét nghiệm về giấc ngủ để chẩn đoán chính xác hơn.

 

Nguồn Suckhoevadoisong