Dính lưỡi – nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ Dính lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế. Đây là nguyên nhân mà ít người biết đến, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và phẫu thuật cho hơn 500 trẻ dính lưỡi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 đến 10 trẻ phẫu thuật điều trị tại khoa.
Trường hợp nhập viện phẫu thuật dị tật dính lưỡi mới đây nhất là bé Nguyễn M.N (19 tháng tuổi, Hà Nội). Mẹ bé cho biết, M.N là con thứ hai trong gia đình có hai anh em, khi bé được một tuổi đã nói được một số từ như bà, mẹ... nhưng từ đó đến nay bé cũng chỉ nói được vài từ đơn giản. Lo lắng con bị chậm nói so với các bạn cùng trang lứa, chị cho con đi khám tại Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Trung ương thì được bác sĩ chẩn đoán bé bị dị tật dính lưỡi, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ và được chỉ định nhập viện phẫu thuật.
Một trường hợp dính phanh lưỡi điều trị tại khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi TW Một trường hợp khác cũng điều trị tại khoa Răng Hàm Mặt là bé Nguyễn T.A (5 tuổi, Hưng Yên). Theo chị Phương - mẹ bé T.A cho biết, con chị biết nói sớm tuy nhiên bé nói rất ngọng. Nghĩ rằng khi con lớn hơn sẽ hết ngọng nên gia đình không cho cháu đi khám. Đến khi con chuẩn bị vào lớp một mà tình hình vẫn không cải thiện, chị Phương mới lo lắng đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị tật dính lưỡi và được chỉ định phẫu thuật.
Hình ảnh dính lưỡi ở trẻ
Theo Ths.Bs. Đỗ Văn Cẩn - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt- Bệnh viện Nhi Trung ương: "Dính lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế. Đây là một nguyên nhân mà ít người biết đến, là một dị tật bẩm sinh, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ. Triệu chứng của dính lưỡi Trẻ bị dính lưỡi thường khó bú ở trẻ sơ sinh, khó nuốt ở trẻ ăn dặm, chậm nói, khó phát âm, nói ngọng: chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, kh, tr, l... Chẩn đoán và điều trị Bs. Đỗ Văn Cẩn giải thích: Theo Kotlow, dính lưỡi được chia làm 4 độ: độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4. Các chỉ định phẫu thuật cho tật dính lưỡi: Dính lưỡi độ 3 và độ 4, dính lưỡi độ 1 và độ 2 có thêm các biểu hiện lâm sàng và rối loạn chức năng lưỡi sau: khó bú, khó phát âm, khó nuốt, không có khả năng cong lưỡi lên môi trên hoặc môi dưới. Lưỡi không có khả năng cong chạm vòm miệng khi há miệng, thè lưỡi ra ngoài đầu lưỡi bị chẻ hình chữ V. "Hiện nay tại Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Trung Ương, trẻ bị dính lưỡi được điều trị phẫu thuật bằng Laser không gây chảy máu, không đau sau mổ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, gia đình nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị phục hồi chức năng ngôn ngữ hay phẫu thuật" - Bs.Cẩn cho biết thêm. Cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau phẫu thuật dính lưỡi Theo BS Cẩn, thông thường sau phẫu thuật, tại chỗ cắt dính lưỡi thường có vết màu trắng. Đó là diễn biến bình thường sau phẫu thuật bằng laser, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Các hiện tượng này sẽ hết và vết tổn thương sẽ lành sau một vài tuần. Cần theo dõi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn các vật cứng để tránh chảy máu, không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng, cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Một số lưu ý sau khi phẫu thuật dính phanh lưỡi: + Sau phẫu thuật trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm và nguội. + Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng + Trẻ lớn: Hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài. + Trẻ nhỏ: Vệ sinh dưới lưỡi, nâng lưỡi lên trên Sau khi vết thương lành nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt. *Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Nguồn Nhidong |