Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ nên tắm vào lúc nào?


 

Trẻ nhỏ không nhất thiết phải tắm mỗi ngày, mà tùy lứa tuổi và mức độ hoạt động để quyết định khi nào cần tắm.

 

Bác sĩ Phan Minh Đoàn, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết trong năm đầu đời, trẻ chỉ cần tắm ba lần mỗi tuần. Tắm nhiều hơn có thể làm khô da. Tuy nhiên trẻ hay ra mồ hôi, nhất là khi trời nóng, không vệ sinh hàng ngày dễ bị rôm sảy, các bệnh ngoài da khác. Do đó cần vệ sinh các nếp gấp vùng cổ, nách, nếp gấp khuỷu tay, nếp gấp vùng bẹn, hậu môn, bộ phận sinh dục... Chỉ cần nhúng khăn với nước ấm lau sạch cho trẻ.

Trẻ lớn hơn có thể không cần tắm hàng ngày, nhưng đảm bảo tắm ít nhất hai lần mỗi tuần. Tắm sau khi chơi đùa bị dính đất cát, sau khi bơi ở hồ hoặc biển, khi đổ nhiều mồ hôi hoặc khi cơ thể có mùi hôi.

Tuổi thanh thiếu niên thường đã ý thức được việc tắm mỗi ngày. Trẻ tắm ngay sau khi bơi ở hồ hoặc biển, khi đổ mồ hôi nhiều. Tập thói quen rửa mặt hai lần một ngày.

Theo bác sĩ Đoàn, các bé có bệnh lý ngoài da cần tắm theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Nhiều trẻ rất lười tắm do ham chơi, sợ nước... Để kích thích trẻ tắm, có thể áp dụng một số mẹo:

- Cho chơi những món đồ chơi dưới nước trong khi tắm.

- Kể cho bé nghe những câu chuyện yêu thích.

- Cho bé đọc quyển sách yêu thích khi đang ngâm mình trong bồn tắm. Có thể nghĩ ra bất cứ tình huống lý thú nào và chơi cùng trẻ trong khi tắm.

Bác sĩ Đoàn lưu ý chọn cho trẻ các loại sữa tắm có tính dưỡng ẩm, độ pH 5-5,5 - tức xấp xỉ độ pH của da. Có thể chọn xà bông theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ nhi khoa. Tránh loại xà bông tắm có nhiều màu và mùi thơm. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không bôi xà phòng trực tiếp lên da, mà hòa loãng và sử dụng khăn vải mềm để lau sạch cho bé.

Bác sĩ nhi khoa Đỗ Tiến Sơn cũng cho rằng trẻ không cần tắm mỗi ngày. "Chỉ nên tắm nước ấm, không được tự pha thêm các thành phần khác như nước cốt chanh, các loại lá, rượu trắng... có thể gây ảnh hưởng đến pH da trẻ, làm bệnh da liễu chuyển nặng hơn, thậm chí gây ngộ độc", bác sĩ Sơn chia sẻ.

 

Nguồn VNE