Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ em Nhật tự lập hay bị bỏ rơi?


 

Trẻ em Nhật Bản nổi tiếng tự lập từ lúc nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ ở nước này đang để con tự lập đến mức gần như bỏ rơi con.

 

Một phụ nữ nội trợ khoảng 30 tuổi ở vùng Kanto kể câu chuyện mà chị gặp phải. Có một cậu bé gần như ngày nào cũng tới nhà chơi với con trai chị. Những hôm con trai chị không có ở nhà cậu bé vẫn đến và ở lại. Chị thường cho cậu bé đồ ăn vặt. Không chỉ có vậy, cậu bé cũng thường ăn tối với gia đình hoặc ở lại chơi đến khuya.

Đến một ngày, chị phát hiện cậu bé không phải là bạn, thậm chí không quen biết gì con trai cô. Người phụ nữ chết điếng vì không hiểu tại sao cậu bé đó lại tới nhà chị thường xuyên như vậy.

Câu chuyện trên nghe tưởng như vô lý nhưng đã thành một giai thoại cho thấy tình trạng trẻ em trên khắp Nhật Bản dành thời gian ở nhà người quen hoặc thậm chí người lạ nhiều hơn ở nhà mình. Đôi khi các em còn đi lang thang vô định trên phố do bố mẹ không giám sát vì họ đang mải mê làm việc hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thờ ơ với con cái.

 

Nhiều trẻ em Nhật có thể tự do đi la cà ngoài đường sau giờ học mà cha mẹ không mấy bận tâm. Ảnh minh họa: Shutterstock

Từ khoảng những năm 2010, người Nhật đã tạo ra từ "hochigo" để nói về những đứa trẻ bị bỏ mặc một mình.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể bao nhiêu trẻ em rơi vào tình trạng này nhưng ngày càng nhiều phụ huynh lên mạng xã hội than vãn vì bị trẻ con của gia đình khác lợi dụng lòng tốt và một số người còn hỏi làm thế nào để bọn trẻ đừng đến nhà họ nữa.

Các chuyên gia cho rằng cần tạo một mạng lưới an toàn để giúp đỡ những trẻ em đó và cả bố mẹ các em nữa. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn do nhiều cha mẹ còn không nhận thức được rằng mình đang bỏ rơi con mà nghĩ rằng họ chỉ đang cho con mình được tự do.

Nhật Bản được coi là một đất nước an toàn, nơi trẻ em được rèn luyện tính tự lập sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Người Nhật mặc định rằng trẻ em có thể tự chăm lo bản thân mình từ sớm. Ví dụ như học sinh lớp 1 tại các trường tiểu học của Nhật có thể tự đi tới trường hoặc một mình bắt tàu điện ngầm – điều hiếm thấy tại các quốc gia khác.

Trong câu chuyện nói trên, người mẹ bắt đầu tiếp đón "vị khách bí ẩn" khi con trai học lớp 1 của chị đưa một bạn cùng lớp về nhà chơi sau giờ học. Đứng sau lưng con trai và bạn là một cậu bé khác trông có vẻ nhiều tuổi hơn. Nghĩ rằng đó cũng là bạn của con mình, chị mời cậu bé vào nhà và mang đồ ăn vặt cho bọn trẻ.

Nhưng sau đó cậu bé này bắt đầu tới nhà chị thường xuyên hơn và thậm chí tự động mở tủ lạnh lấy đồ ăn mà không xin phép. Cậu bé tới nhà chơi và ở lại cho tới tận tối khuya. Cảm thấy hoài nghi, chị hỏi con trai và sững sờ khi con nói không biết đó là ai.

"Cậu bé đó là người hoàn toàn xa lạ. Con trai tôi nói không quen biết gì cậu ấy", chị kể lại. Sau khi nói chuyện với giáo viên của con trai, chị mới biết đó là một học sinh lớp ba ở trong trường. Mặc dù sau khi nói chuyện với giáo viên, cậu bé đó không đến nhà chị nữa nhưng cô vẫn thấy cậu bé đi lang thang bên ngoài và có vẻ không được cha mẹ giám sát.

Mặc dù Nhật Bản vẫn là một đất nước nơi trẻ em có thể tự do đi la cà nhưng đã có nhiều vụ việc tình trạng trẻ em được tự do đi chơi dẫn đến hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là những vụ liên quan đến mạng Internet.

Một bé gái 12 tuổi ở Osaka đã bị một người đàn ông quen biết qua mạng xã hội bắt cóc và đưa bé đi hơn 400 km tới nhà của hắn và giam giữ trong gần một tuần cho đến khi cô bé tìm cách trốn thoát được.

Không chỉ có cô bé từ Osaka, một cô bé khác 15 tuổi ở Ibaraki cũng bị tên này giam cầm, với thời gian khoảng 6 tháng.

Các chuyên gia cho rằng cha mẹ của những trẻ em "hochigo" gần như không quan tâm con cái mình đi đâu làm gì sau giờ học. Theo các chuyên gia này, sự thờ ơ của cha mẹ có thể dẫn tới tình trạng trẻ em bị bỏ mặc, bị ốm, hoặc thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Một phụ nữ 40 tuổi ở Yokohama, gần Tokyo cũng biết về một đứa trẻ như vậy.

"Khi cả bố và mẹ cùng đi làm thì họ rất dễ quên dành thời gian và quan tâm đến con mình. Tôi nghĩ nếu tôi không cẩn thận thì chính con của tôi cũng trở thành như vậy", chị chia sẻ.

Giờ tan học của một trường tiểu học ở Nhật Bản. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, năm 2018, có khoảng 700 hội nhóm trên toàn quốc tổ chức hội thảo cho các phụ huynh để chia sẻ kinh nghiệm nuôi con và nâng cao nhận thức về tình trạng bỏ bê con cái. Các chuyên gia của những hội nhóm này tới tận nhà giúp đỡ những gia đình rơi vào hoàn cảnh đó.

Giáo sư về các vấn đề trẻ em Noa Fukaya cho rằng có một số bậc cha mẹ không nhận thức hoặc không nắm rõ cách nuôi dạy con cái thế nào là tốt nhất. Điều đáng lo ngại là nếu cả bố và mẹ cùng đi làm thì họ sẽ chịu sức ép lớn hơn khi không có sự hỗ trợ từ ông bà hay người thân. Khi đó trẻ sẽ bị bỏ mặc và dễ mắc vào các hành vi phạm tội, trốn học và các vấn đề khác.

Giáo sư Fukaya cho rằng những cha mẹ có con cái bị bỏ rơi cần được giúp đỡ.

"Sự giúp đỡ từ những người tốt bụng dành cho các bé hochigo chỉ có giới hạn. Xã hội cần xây dựng một mạng lưới an toàn để giúp đỡ những phụ huynh và các gia đình có hoàn cảnh như vậy", ông nói.

Nguồn https://vnexpress.net