Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tưởng con chỉ bị sốt thông thường nhưng đi khám phát hiện mắc bệnh nguy hiểm, bố mẹ lưu ý vì rất dễ nhầm sang bệnh khác



Các triệu chứng của bệnh này giống nhiều bệnh sốt khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm, nếu phát hiện và điều trị muộn còn có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến tim.

 

Chị Vũ Hoa (ở Hà Nội) mẹ của bé Lạc hiện 19 tháng tuổi kể, hồi tháng 4 (lúc đó Lạc 15 tháng tuổi) con gái chị đang khỏe mạnh bỗng dưng bị trướng bụng, căng cứng như đầy hơi, khó chịu và hay quấy khóc.

Tiếp theo Lạc bị sốt cao, lúc đầu chỉ khoảng 37,5 độ rồi tăng lên 38,5 độ và phải uống thuốc hạ sốt. Nhưng cứ 5-6 tiếng sau thuốc hết tác dụng thì bé lại sốt cao trở lại, hầu hết đều trên 38,5 độ, người cứ lả đi, không chịu ăn uống gì. Bé còn bị phát ban đỏ ở các vùng đầu gối, bàn chân, bàn tay, niêm mạc mắt và môi đỏ, lưỡi nổi gai trông giống như quả dâu tây, nổi hạch hàm. Lạc mệt mỏi và cáu gắt hơn rất nhiều.

Thấy vậy, chị Hoa liền đưa con đi khám tại một bệnh viện tư và nhập viện. Tại đây, bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu là bé bị tay chân miệng. Nhưng sau khi kiểm tra kỹ, bác sĩ phát hiện ra Lạc có những biểu hiện của bệnh Kawasaki, một loại bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Lạc lập tức được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé Lạc sốt cao và phát ban toàn thân.

Ban đỏ nổi dày và tốc độ tăng nhanh chóng.


"Bệnh Kawasaki dễ gây biến chứng phình động mạch vành gây ảnh hưởng đến tim, có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim và tử vong nếu không chữa trị. Bác sĩ cũng nói cho mình biết, có những trường hợp chữa trị đúng phác đồ và thời điểm nhưng vẫn bị biến chứng nên không có gì là không thể xảy ra.

Thuốc để chữa bệnh này là truyền huyết thanh Gamma Globulin liều cao vào tĩnh mạch liên tục và sử dụng thuốc uống có thành phần Aspirin song song. Thuốc của Lạc truyền tên Pentaglobin 5,8 triệu đồng/chai và tính theo cân nặng thì Lạc phải truyền 13 chai. Thuốc uống tên Aspegic 100mg, có giá khoảng 200 nghìn đồng/hộp (thuốc này vẫn duy trì uống sau khi ra viện).

Thời điểm có thể truyền thuốc là khoảng ngày thứ 7 hoặc 8 con bị sốt và bắt buộc phải trước ngày thứ 10 nếu không muốn để lại biến chứng cho con. Không truyền sớm trước ngày thứ 5 vì sẽ làm tăng khả năng kháng thuốc. Điều này cũng còn tuỳ vào thể trạng của con lúc phát hiện bệnh" - chị Hoa chia sẻ về phác đồ điều trị của con gái.

Cứ 5-6 tiếng thuốc hạ sốt hết tác dụng thì Lạc lại sốt trở lại.

 

Bé mệt mỏi, quấy khóc.


Trong quá trình điều trị bệnh cho con, có 1 câu chuyện mà chị Hoa nhớ mãi. Đó là khi chuyển Lạc về Bệnh viện Nhi Trung ương và bé phải đi siêu âm tim. Vì các bạn nhỏ thường không chịu nằm im để bác sĩ siêu âm chính xác được nên bé sẽ phải tiêm 1 mũi an thần vừa đủ liều lượng giúp ngủ trong 1 khoảng thời gian, đủ để bác sĩ có thể hoàn thành công việc của mình.

"Bác sĩ và điều dưỡng phổ biến trước với mình rằng hầu hết các bé tiêm thuốc an thần đều không có vấn đề gì nhưng cũng sẽ có những trường hợp thuốc gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng nguy hiểm đến bé như: Suy hô hấp, ngưng thở cấp, rối loạn thần kinh,...

Dù chỉ là phần trăm nhỏ thôi nhưng là người mang nặng đẻ đau sinh con ra, đâu ai muốn đánh cược tính mạng con mình dù là nhỏ nhất. Lúc đó mình rất sợ hãi, sợ rằng nhỡ đâu con rơi phải số phần trăm nhỏ nhoi đó thì sao?

 

Tại bệnh viện, Lạc được truyền huyết thanh Gamma Globulin liều cao vào tĩnh mạch liên tục và sử dụng thuốc uống có thành phần Aspirin song song.

Lạc đã may mắn được chữa trị kịp thời.

Bé nhà mình lúc trước còn khóc quấy, người lả đi vì mệt nhưng lúc đó lại nín khóc, bình tĩnh vô cùng, đưa tay ra lau nước mắt cho mẹ, nhìn mẹ rất bình thản. Bé còn rướn người ôm chặt cổ mẹ như để an ủi, dù lúc đó con chỉ mới 15 tháng tuổi và chưa biết nói.

Mình cũng thì thầm lại với con rằng: "Mẹ không biết phải làm sao nữa. Mẹ sợ lắm, con cố gắng cùng với mẹ nhé. Đừng bỏ rơi mẹ, mẹ ở bên con". Nghe vậy Lạc gật đầu. Hành động của con đã tiếp sức cho mình và đem đến niềm an ủi rất lớn.

May mắn vô cùng là sau đó không có vấn đề xấu nào xảy ra, rồi con cũng được chữa trị kịp thời. Trộm vía, cuối tháng 7 vừa rồi cho bé đi tái khám lần 2 thì đã được ngừng thuốc. Hiện tại con mình đã không còn vấn đề gì đáng ngại về sức khoẻ và lại trở về là cô bé con hiếu động ngày nào rồi" - chị Hoa hạnh phúc nói.

Bệnh Kawasaki ở trẻ em là bệnh gì?

Bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi bú mẹ tỉ lệ mắc bệnh ở trai thường cao hơn so với trẻ gái.

Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể chưa nghiêm trọng ngay. Tuy nhiên, trẻ có thể bị viêm tim, phình giãn động mạch vành gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ hay hẹp tắc và suy vành mạn tính về sau.

Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki

Hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng bệnh có thể có nguồn gốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc ví dụ như virus hoặc vi khuẩn.

Ngoài ra, yếu tố về chủng tộc cũng có liên quan vì bệnh gặp nhiều ở trẻ em châu Á hoặc gốc châu Á. Yếu tố môi trường cũng có thể là tác nhân gây bệnh.

Đến nay vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào cho thấy bệnh này lây truyền.

Triệu chứng của bệnh Kawasaki

- Sốt kéo dài trên 5 ngày, ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ sốt thông thường.

- Kết mạc mắt sung huyết, đỏ, thường không chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên.

- Môi đỏ rõ, có thể nứt kẽ rỉ máu. Lưỡi đỏ và có thể nổi gai.

- Phát ban, thường gặp ban đỏ đa dạng, toàn thân.

- Sưng nề mu bàn tay, chân; Đỏ tía gan bàn tay, bàn chân.

- Hạch bạch huyết vùng cổ, góc hàm có thể sưng lên to, thường sưng một bên.

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki giống nhiều bệnh sốt cấp khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Do đó, bố mẹ cần ghi nhớ các triệu chứng cũng như quan sát kỹ biểu hiện của con, đưa con đi khám tại các bệnh viện để chẩn đoán bệnh chính xác.

Biến chứng của bệnh Kawasaki

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì biểu hiện lâm sàng của bệnh có thể tự thoái lui. Tuy nhiên bệnh sẽ gây các biến chứng nguy hiểm như: Phình giãn động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim hay hẹp tắc động mạch vành và thiếu máu cơ tim, suy vành mãn tính. Tỷ lệ biến chứng là khoảng 1/3 số trường hợp không được điều trị.

Điều trị bệnh Kawasaki như thế nào?

Trẻ mắc Kawasaki sẽ được sử dụng thuốc để ngăn ngừa tổn thương tại vành mạch, bao gồm:

- Gamma globulin (IVIG) liều cao tiêm vào tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả giúp thuyên giảm triệu chứng, có thể ngăn ngừa hoặc giảm thương tổn động mạch vành nếu được điều trị sớm trong 10 ngày kể từ khi xuất hiện sốt.

- Aspirin (ASA) liều cao cũng được cho sử dụng cùng với IVIG trong giai đoạn cấp tính của bệnh cho đến khi giảm sốt.

Nguồn Afamily