Đừng nói 'Là con trai không được khóc' "Là con trai phải mạnh mẽ" như một lời động viên, nhưng dường như câu nói đó vô tình khoác 'gông cùm' vào tâm hồn của nhiều bé trai.
Tuần trước khi tôi đi bộ xuống cầu thang, gặp một cậu bé đang đuổi theo con mèo của mình, tiếng cười giòn giã và khuôn mặt tươi cười của cậu làm tôi chú ý Đột nhiên cậu bé vấp ngã, tôi vội chạy đến giúp đỡ. Lúc này khuỷu tay, đầu gối và lòng bàn tay của cậu đều đã bầm tím. Thằng bé đau đến mức mặt tái nhợt, khuôn miệng méo xệch trực khóc. Người mẹ sau đó chạy đến, lạnh lùng nói: "Chỉ đau một chút thôi, khóc có lợi gì? Là con trai không được khóc, phải mạnh mẽ. Nhìn xem mọi người đang cười con kìa". Cậu bé mắt đỏ hoe nhưng nghe mẹ nói đã không dám khóc. Cậu đau đớn đứng lên, lầm lũi đi theo sau.
"Con trai phải mạnh mẽ". "Đàn ông con trai không được khóc"... Tôi tin nhiều cha mẹ đã nói điều này với con trai của họ. Thoạt nghe như một lời động viên, nhưng thực sự những lời nói dường như bình thường ấy thực sự đã khoác "gông cùm" vào tâm hồn của nhiều bé trai, khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Con trai cũng cần những cái ôm Người bạn trên của tôi có đủ cả trai lẫn gái, cô luôn dạy con mình "Là con trai phải mạnh mẽ, không được yếu đuối trong bất cứ hoàn cảnh nào". Một ngày vợ chồng họ đến trường đón con. Thấy bố ôm chầm lấy em gái khi vừa gặp mặt, cậu mếu máo "Mẹ ơi con cũng muốn được ôm". Bố vỗ nhẹ vào lưng nói "Con đã học lớp 2 rồi. Là đàn ông lớn ai lại ôm như thế, xấu hổ lắm". Sau đó người cha lại "khai sáng" cho con bằng những câu nói về sự mạnh mẽ của con trai. Cậu bế cố kìm nén tiếng khóc, cúi đầu đi theo bố mẹ đang bế cô em gái phía trước. Bóng lưng buồn ấy thật xót xa. Có nhiều bậc phụ huynh nói rằng họ sẵn sàng ôm con gái để thể hiện tình cảm, nhưng con trai ôm quá nhiều sẽ làm chúng có xu hướng trở nên hèn nhát. Điều đó có đúng? Một phòng thí nghiệm nghiên cứu giáo dục trí thông minh của trẻ ở Mỹ đã tiến hành một cuộc kiểm tra trong 3 năm trên 200 trẻ dưới 5 tuổi. Nghiên cứu phát hiện ra rằng một số dữ liệu về trí thông minh và tính cách tích cực của trẻ tăng lên nhanh chóng, trong khi một số lại giảm sút. "Tốc độ phát triển trí tuệ và nhân cách tích cực của trẻ chủ yếu được quyết định bởi tần suất và độ chính xác trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Những trẻ có chỉ số này cao nhất là những đứa trẻ thường xuyên được bố mẹ bế, ẵm", nghiên cứu chỉ rõ. Cũng theo nghiên cứu này, sự phát triển não bộ của bé trai chậm hơn so với các bé gái cùng tuổi và nhu cầu gắn kết tình cảm của các bé trai cũng mạnh mẽ hơn các bé gái. Từ góc độ thể chất và tâm lý, các bé trai cần được chăm sóc nhiều hơn và làn da của chúng cũng cần được tiếp xúc nhiều hơn với bố mẹ. Những đứa trẻ thường được cha mẹ ôm ấp sẽ an tâm và tự tin hơn. Ôm giúp trẻ tránh xa sự can thiệp của những cảm xúc xấu, đồng thời cũng giúp cho việc tiết hormone tăng trưởng ở trạng thái tốt nhất và thúc đẩy sự phát triển thể chất. Bởi vậy mới nói, một cái ôm giản dị lại truyền đi nhiều tình yêu ấm áp. Nhà ngôn ngữ học người Mỹ Albert Meribin phát hiện ra rằng chỉ có 7% giao tiếp giữa con người là thông qua ngôn ngữ, và tới 93% giao tiếp là thông qua phi ngôn ngữ. Tổng hiệu quả của giao tiếp = 7% ngôn ngữ + 38% giọng điệu + 55% ngôn ngữ cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, ngôn ngữ cơ thể thường có sức mạnh hơn lời nói. "Ôm là một hành động rất đơn giản nhưng lại có sức mạnh vô hạn. Những cái ôm là trao nhau tình yêu và sự dịu dàng. Dù con bạn thuộc giới nào, thì chúng cũng thường xuyên cần được những cái ôm của cha mẹ", Albert Meribin nói. Bé trai cần được lắng nghe Diễn viên Hồng Kong Viên Vịnh Nghi trong một chương trình truyền hình chia sẻ mối quan hệ của cô và con trai Trương Mộ Đồng từng rất căng thẳng. Thậm chí có lúc Mộc Đồng hét lên rằng, cậu không cần mẹ và muốn đổi lấy một người mẹ khác.
Viên Vịnh Nghi cảm thấy rất buồn. "Rõ ràng mình đã rất cố gắng để dạy con, tại sao nó lại ghét mình tới vậy", cô tự đặt câu hỏi. Đồng thời, giáo viên trong trường cũng phản ánh, Trương Mộ Đồng luôn tỏ ra cáu kỉnh với mọi người và không tập trung việc học, điều này ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác. Cô giáo gợi ý nữ diễn viên nên đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý. Không ngờ sau khi gặp chuyên gia, người có vấn đề ở đây chính là người mẹ. Viên Vịnh Nghi, người lớn lên trong gia đình có bố mẹ làm cảnh sát đã áp dụng chế độ nghiêm khắc của cha mẹ mình trong việc giáo dục con trai. Ví dụ khi con trai muốn làm việc gì, phải được sự đồng ý của cô. Con làm sai, mẹ không cần phải nghe giải thích mà phạt thẳng tay. Vì luôn phớt lờ tình cảm và suy nghĩ của con nên Trương Mộ Đồng ngày càng chán ghét mẹ. Sau buổi gặp với chuyên gia tâm lý, Viên Vịnh Nghi từ từ thay đổi cách giáo dục con trai, cô chịu khó lắng nghe ý kiến của con hơn. Khi suy nghĩ của con khác mình, cô không còn can thiệp một cách thô bạo mà hỏi lý do để hai mẹ con cùng thảo luận. Dần dần, mối quan hệ giữa họ cũng trở nên ấm áp hơn. Trích lời của bác sĩ tâm lý, Viên Vịnh Nghi nói rằng việc biết lắng nghe thực sự rất khôn ngoan trong việc xử lý các vấn đề giáo dục. Đối với con trai, cách tốt nhất để làm bạn là hãy lắng nghe con trước. "Kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ. Thời điểm trẻ nói xong chính là lúc trái tim chúng được nuôi dưỡng hiệu quả nhất", Viên Vịnh Nghi nói. Để nuôi dạy con trai, mẹ cần tỏ ra yếu đuối Người bạn thân nhất của tôi gần đây tâm sự rằng, cậu con trai duy nhất của cô giờ không còn đeo bám mẹ nữa, cậu đeo bám bố suốt ngày. Thỉnh thoảng cô nghe con trai nói về bố với giọng ngưỡng mộ. "Bố thật tuyệt vời" hay "Con muốn trở thành người như bố". Người bạn tôi phát hiện ra, đến một giai đoạn, con trai rất thích ở bên bố, thậm chí cố tình bắt chước mọi động tác của bố. Giai đoạn này thực sự là một giai đoạn nhạy cảm khi con trai muốn bắt chước trở thành một người đàn ông. Quá trình cậu kết thân với bố cũng là quá trình quan sát và học hỏi những điều kiện mà một người đàn ông phải có. "Vị trí của người cha trong gia đình phần lớn hình thành nhân cách bên trong bé trai", Albert Meribin từng nói. Trên Weibo, một chàng thanh niên chia sẻ câu chuyện của mình, bố mẹ anh thường xuyên cãi nhau, mẹ là người nắm thế thượng phong, thường lên giọng giáo huấn cha. Từ nhỏ thanh niên này là một người rất nam tính, sẵn sàng đứng ra bảo vệ những đứa trẻ yếu thế bị bắt nạt. Nhưng khi lớn lên, anh trở thành một người hoàn toàn khác, luôn trốn tránh trách nhiệm, ích kỷ và không muốn bảo vệ những kẻ yếu thế như hồi nhỏ. "Tôi cảm thấy mình như hình bóng của bố khi lớn lên", anh thừa nhận. Nhà tư tưởng người Mỹ Emerson từng nói, một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc vào tình yêu thương, sự đồng hành và hình mẫu mà chúng nhận được từ nhà giáo dục đầu tiên. Trong khi nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Alfred W. Adler kết luận: "Nếu người mẹ uy quyền hơn và suốt ngày cằn nhằn người khác trong gia đình, con gái có thể bắt chước mẹ, trở thành người hay chỉ trích. Còn con trai luôn ở thế phòng thủ, sợ bị chỉ trích và cố gắng thể hiện sự phục tùng". "Mẹ càng mạnh mẽ thì con trai càng dễ trở nên nhu nhược và dè chừng", Alfred W. Adler khẳng định. Những người mẹ mạnh bạo tước đi sự hiện diện của người cha trong một gia đình sẽ khiến đứa trẻ có nhận thức sai lầm về cha mình. Vai trò của người cha là hình tượng mà nhiều cậu bé bắt chước khi trưởng thành. Cách tốt nhất để người mẹ thể hiện sự yếu đuối là để người cha thể hiện uy quyền của mình. Nuôi dạy một bé trai không chỉ là một nhiệm vụ khó cả về thể chất và trí tuệ. Bé trai là một câu kinh khó đọc, không biết bao nhiêu gia đình đã phải khóc thét. Nhưng bé trai cũng là một đứa trẻ bình thường, cần bố mẹ đồng hành và nuôi nấng mình bằng tình yêu thương. "Có như vậy, trẻ mới có đủ trái tim ấm áp để chắp cánh và tích lũy dũng khí đối mặt với mưa gió trong tương lai", Alfred W. Adler nói. Bài viết của tác giả Đại Dư, đăng trên một diễn đàn dành cho cha mẹ tại Trung Quốc.
Nguồn VNE |