Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ tập nói mở rộng vốn từ


Kể từ khi nói tiếng đầu tiên, vốn từ của trẻ bắt đầu hình thành và liên tục được bổ sung, cha mẹ không nên bỏ lỡ giai đoạn này.

Trang nuôi dạy con Parenting giới thiệu 7 hoạt động bố mẹ có thể cùng làm để con nâng cao vốn từ.

1. Đọc sách

Đọc sách là một trong những hoạt động tốt nhất giúp nâng cao vốn từ của trẻ mới tập nói. Bạn có thể cho trẻ làm quen với sách lật mở (flip book), sách tranh, sách bảng chữ cái, chữ số và lặp đi lặp lại các từ để trẻ ghi nhớ.

Với sách tranh, bạn hãy chỉ vào từng bức tranh và đánh vần từ đi kèm to, rõ ràng. Hãy khuyến khích trẻ lặp lại những điều bố mẹ đã nói. Với truyện thiếu nhi, bạn nên chọn cuốn ít chữ, nhiều tranh nhằm giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Trong khi bạn đọc sách, trẻ có thể chạy nhảy, mất trật tự nhưng vẫn đang lắng nghe.

Sau nhiều lần đọc sách cho con nghe, bạn có thể khuyến khích trẻ kể lại hoặc nhập vai vào các nhân vật trong truyện. Sử dụng giọng kể luyến láy, nhấn nhá cho từng nhân vật hoặc chi tiết cũng giúp trẻ ghi nhớ ngôn từ sâu sắc hơn.

2. Trò chuyện với con

Trò chuyện không chỉ là hoạt động kết nối giữa bố mẹ và con cái mà còn là phương pháp hiệu quả để trẻ thu thập vốn từ. Những cuộc trò chuyện không nhất thiết phải diễn ra trong không khí nghiêm túc với các chủ đề lớn vì có thể trẻ sẽ không hào hứng tiếp thu.

Thay vào đó, bạn nên nói về những gì đang làm, đang suy nghĩ hoặc chia sẻ với trẻ về hoạt động trong ngày. Khi đưa con đi dạo, bạn có thể chỉ ra những điểm khác biệt như các loài cây, thời tiết hôm qua và hôm nay. Khi trò chuyện, bạn hãy cố gắng lặp lại các từ để trẻ ghi nhớ.

Sau đó, hãy đặt câu hỏi và đợi trả lời bởi các bé có thể mất thời gian suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ phù hợp. Hãy khen ngợi khi trẻ bắt nhịp với cuộc trò chuyện nhưng cũng không nên rầy la nếu trẻ tỏ ra lơ là. Điều này khuyến khích trẻ tập trung vào những điều bố mẹ nói, từ đó ghi nhớ và học cách tạo chủ đề trò chuyện.

Ảnh: Shutterstock

3. Hát

Một số trẻ mới biết đi say mê giai điệu, bài hát hơn các câu chuyện nên bố mẹ có thể bật bài hát và khuyến khích trẻ hát theo. Các bài đồng dao hoặc tập đếm có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, kích thích trí tưởng tượng, tư duy.

Bạn có thể kết hợp các động tác múa, biểu diễn nghệ thuật nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng sử dụng tay - chân, điều phối các bộ phận trên cơ thể và hòa mình vào giai điệu của bài hát.

4. Từ ngữ phát triển giác quan

Vốn từ của trẻ mới biết đi sẽ trở nên sinh động hơn nếu các bé biết kết hợp lắng nghe và cảm nhận về mọi vật xung quanh. Hãy đưa trẻ đến những địa điểm khác nhau và yêu cầu mô tả những gì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy hoặc cảm thấy. Ví dụ, khi ra vườn sau trời mưa, bạn hãy hỏi con: "Con thấy khu vườn có mùi gì? Con cảm thấy thế nào?". Đây cũng là phương pháp khuyến khích trẻ chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ với bố mẹ, từ đó giúp hai bên hiểu nhau hơn.

5. Khám phá

Thiên nhiên là người thầy tuyệt vời. Những kiến thức bé không học ở nhà hoặc ở trường lớp có thể được tìm thấy qua việc khám phá thiên nhiên. Trẻ mới biết đi thích ra ngoài, vận động để tìm hiểu vạn vật xung quanh nên bố mẹ có thể nắm bắt cơ hội này để giúp con tăng vốn từ.

Ví dụ, hãy đưa trẻ đến công viên, sở thú và giới thiệu cho con về các loài động vật, loại cây, trò chơi, đồ vật. Những từ này được học trực tiếp bằng cách nghe, nhìn, sờ, nắm nên trẻ sẽ ghi nhớ kỹ càng hơn.

6. Chơi với trẻ lớn tuổi hơn

Khi con bạn chơi với những đứa trẻ lớn hơn, bé sẽ học được nhiều điều. Không chỉ cải thiện vốn từ, bé sẽ quan sát cách trò chuyện, các hành vi và cách bạn bè hành động trong những tình huống khác nhau, từ đó biến thành kỹ năng của riêng mình. Hoạt động này cũng sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin, kỹ năng làm việc nhóm.

7. Một từ mỗi ngày

Dạy trẻ quá nhiều từ trong một ngày có thể khiến các bé bối rối. Thay vào đó, bạn có thể cung cấp nhiều từ một ngày nhưng chỉ tập trung dạy và giải thích nghĩa của một từ. Sau đó, khuyến khích trẻ sử dụng từ đó ít nhất năm lần trong ngày trong các tình huống hoặc câu chuyện khác nhau.

Khi dạy từ mới, bố mẹ cần lưu ý phát âm chính xác. Khi trẻ nói ngọng, bạn không nên bảo con sai, yêu cầu sửa lại mà hãy nhắc lại từ đó nhiều lần một cách to, rõ ràng để trẻ ghi nhớ và bắt chước.

Nguồn https://vnexpress.net