Rất nhiều cha mẹ cảm thấy 'bất lực' khi con bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này cần đến từ sự kiên nhẫn và cách dạy con tự lập sớm từ chính bản thân các bậc cha mẹ.
Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 3 như một lẽ tự nhiên đến với con bạn khi con nhận thức được mình là một cá nhân độc lập, có những quyền lực nhất định. Con thường có các phản ứng, hành vi tiêu cực khi bị người thân trong gia đình áp đặt, độc đoán.
Các biểu hiện khủng hoảng ở trẻ lên 3 như là: buồn bã, hay có những hành vi chống đối, ương ngạnh, bướng bỉnh, ăn vạ, dạy một đằng làm một nẻo...
Đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 (ảnh minh họa)
Việc thực thi các điều cấm và hình phạt thường xuyên và không đầy đủ cũng như sự bảo vệ quá mức trong giáo dục, không nhất quán trong nội quy hoặc tấm gương giáo dục không tốt cũng sẽ làm cho cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 của con trở nên dữ dội hơn.
Những cách dạy con tự lập sớm từ khi 3 tuổi
Để giải quyết tận gốc vấn đề khủng hoảng tuổi lên 3, cha mẹ nên dạy con tự lập, để trẻ thể hiện chính kiến của bản thân trong mọi việc hàng ngày.
Bắt đầu dạy con tự lập bằng cách để trẻ tự mặc quần áo, tự múc ăn, tự đi vệ sinh: Cha mẹ thường cho rằng việc này chẳng tốn bao nhiêu thời gian nên làm luôn giúp con cho nhanh, nhưng thực tế chính cha mẹ đã cướp mất cơ hội được học tập của trẻ.
Thông qua những việc nhỏ nhưng thiết yếu này, trẻ có thể hình thành thói quen tự lập, thỏa mãn ý muốn của bản thân, đồng thời chứng tỏ bản thân đang dần trưởng thành trước mặt cha mẹ.
Cha mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn con làm từng việc một, quan sát để nắm bắt tâm lý trẻ hứng thú làm điều gì và làm như thế nào... để "soạn một giáo trình" phù hợp.
Dạy con làm việc nhà: Làm việc nhà là một cách tốt thúc đẩy các thói quen lành mạnh ở con. Tùy theo sức khỏe và kỹ năng của trẻ, cha mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ các công việc như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, lau cửa, rửa bát,...
Cha mẹ nên dạy con 3 tuổi làm những việc nhà đơn giản (ảnh minh họa)
Cho con tập kết bạn mới: Một đứa trẻ tự tin sẵn sàng kết bạn với mọi người xung quanh và không cần sự giúp đỡ từ cha mẹ. Điều cần là cha mẹ hãy sắp xếp những buổi đi chơi ngoài trời và tạo điều kiện để con có những nhóm bạn nhỏ, chủ động tạo mối quan hệ bạn bè.
Tạo cơ hội cho con lựa chọn: Cha mẹ đừng bao giờ áp đặt con bằng mệnh lệnh vì trẻ thường phản kháng lại rất dữ dội. Thay vì nói "con làm cái này, con làm cái kia, không được thế này..." cha mẹ hãy thử chuyển sang hướng "con có thể làm cái này không? con muốn làm thế này hay làm thế khác? con muốn món đồ này hay món đồ kia?"...
Dạy trẻ kiềm chế cơn giận và diễn đạt được ý muốn: Thông thường các cơn giận của trẻ phát triển tới đỉnh điểm vì trẻ không biết cách biểu đạt ý muốn của mình. Cha mẹ hãy kiên nhẫn giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ bằng mở rộng vốn từ vựng qua những câu chuyện giáo dục hoặc các ví dụ sinh động. Và điều quan trọng hơn là chính cha mẹ cần kiềm chế được cơn giận của mình để làm gương và dạy con cách kiềm chế giận dữ.
Nguồn https://infonet.vietnamnet.vn
|