Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảy câu nói thay thế 'con đừng khóc nữa'


 

Khi thấy trẻ khóc mè nheo, phụ huynh thường nói "Đừng khóc nữa", "Con hãy nín đi". Nhưng cách này thường không hiệu quả và trẻ sẽ càng khóc dữ hơn.

 

Trong nhiều trường hợp, trẻ khóc vì cảm thấy bất an, muốn được chia sẻ và quan tâm. Bởi vậy thay vì bảo con thôi ngay, việc lắng nghe, đồng cảm có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc, kết nối bố mẹ và con cái.

1. Không sao đâu nếu con thấy buồn

Xã hội nói chung khích lệ con người sống lạc quan, vui vẻ dẫu có chuyện gì xảy ra vì buồn bã không thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cách động viên này vô tình đẩy việc có cảm xúc tiêu cực thành điều đáng xấu hổ.

Khi trẻ khóc, một phần do cảm thấy bất lực, thất vọng. Là phụ huynh, bạn hãy hướng dẫn con rằng hành động khóc không phải sai trái. Cuộc sống là hành trình đầy khó khăn nên việc buồn, khóc là hoàn toàn bình thường.

2. Bố mẹ hiểu rằng điều này rất khó khăn

Phụ huynh có thể không hiểu rõ lý do trẻ khóc nhưng nếu từ chối tìm hiểu, bạn sẽ đẩy trẻ vào cảm xúc tiêu cực hơn. Dẫu không biết rõ vấn đề, bạn hãy thừa nhận rằng trẻ đang trong tình huống khó khăn.

Câu nói này giống như lời chia sẻ, giúp trẻ hiểu rằng bố mẹ đồng cảm với những khúc mắc của các em. Thay vì phớt lờ, bố mẹ đang cố gắng giúp đỡ và bên cạnh con dù mọi chuyện có tồi tệ đến nhường nào.

3. Bố mẹ luôn ở đây nếu con cần

Khi đang buồn bã, trẻ thường không sẵn sàng mở lòng để chia sẻ những vấn đề gặp phải. Trẻ có tính cách khác nhau sẽ đối phó cảm xúc theo cách khác nhau nhưng thường cần thời gian để trải lòng về những việc đã xảy ra.

Câu nói "Bố mẹ luôn ở đây" đồng nghĩa phụ huynh sẵn sàng lắng nghe để chia sẻ, khích lệ các con. Bố mẹ sẽ không ép các con phải nói lý do vì sao khóc ngay lập tức mà sẽ đợi chờ đến khi cảm xúc của các con ổn định. Điều này làm giảm áp lực lên trẻ trong thời điểm cảm xúc bất ổn định.

 


Ảnh: Shutterstock.

 

4. Hãy nói bố mẹ nghe điều gì làm con buồn

Sau khi trẻ đã bình ổn cảm xúc, bạn có thể hỏi con lý do khóc. Đầu tiên, bạn chia sẻ với cảm xúc của con bằng việc chỉ rõ chúng đang buồn. Tiếp đó thể hiện sự lắng nghe, đồng cảm để trẻ có thể mở lòng.

Có người ở bên cạnh để chia sẻ các vấn đề khó khăn là rất quan trọng với con người, không chỉ trẻ em. Các em sẽ cảm thấy an toàn, bình tâm khi biết rằng luôn có bố mẹ để giãi bày tâm sự.

5. Bố mẹ luôn ở gần con. Hãy nói với bố mẹ khi nào con sẵn sàng

Khi trẻ khóc và bạn muốn chia sẻ nỗi buồn cùng con, chờ đợi là cần thiết. Bạn hãy cho trẻ biết bố mẹ luôn lắng nghe, luôn ở bên đến khi con sẵn sàng chia sẻ.

Với những cảm xúc tiêu cực, chia sẻ là hành động thích hợp để giải tỏa cũng như tìm kiếm sự động viên, khích lệ. Nhiều khi nhờ lắng nghe và chia sẻ, bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau hơn, thảo luận về những khúc mắc của hai bên và tìm cách nuôi dạy phù hợp.

6. Bố mẹ đang lắng nghe con

Khi một đứa trẻ khóc, chúng không cần bố mẹ khuyên bảo hoặc nhắc ngừng khóc. Các em chỉ muốn được lắng nghe. Vì vậy, nếu trẻ khóc, bố mẹ cần học cách lắng nghe và thể hiện sự quan tâm để các em cảm thấy yên tâm.

7. Bố mẹ sẽ giúp con

Đôi khi, trẻ em khóc vì không thể tự giải quyết một vấn đề hoặc lâm vào tình huống khó xử nên sự giúp đỡ của bố mẹ sẽ giống kim chỉ nam giúp các em vượt qua. Nhiều phụ huynh cho rằng không nên nhúng tay vào hoạt động của con để chúng xây dựng sự độc lập, tự tin. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng có thể làm tất cả mọi việc và bố mẹ không thể tỏ ra quá vô tâm.

Sự giúp đỡ vừa đủ và phù hợp không khiến trẻ ỷ lại mà giúp các em nhận ra bố mẹ sẽ luôn ở bên ủng hộ, san sẻ để từ đó làm động lực phát triển.

 

Nguồn VNE