Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sau Covid-19, nỗi lo đang “lấp ló” trước mắt các trường tư thục


Năm nào cũng 3 tháng nghỉ hè như thế thì các trường tư như chúng tôi lấy đâu nguồn tiền để trả lương cho giáo viên?

Tại cuộc họp báo quý II năm 2020, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 05/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Lý do được Bộ đưa ra là, những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên.

Trong thời gian trước khai giảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Đây là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ.

Trước dự kiến cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, dịch Covid-19 làm nhiều trường tư phá sản hoặc có nguy cơ phá sản.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Rất nhiều trường tư thục khó khăn lắm mới vượt qua được 3 tháng nghỉ chống dịch.

Khi Việt Nam chống dịch thành công, nhà trường được phép mở cửa đón học sinh đến trường. Niềm hạnh phúc này không của riêng ai.

Hạnh phúc chưa được bao lâu (2 tháng) thì nỗi lo đã “lấp ló” trước mắt đối với các trường tư thục.

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến ngày tựu trường từ nay trở đi là 1/9. Từ năm học sau, mỗi năm học sinh được/phải nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng (6, 7, 8).Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT quy định trường tư được phép học trước trường công 4 tuần, sắp tới sẽ “sửa lại cho phù hợp”.

Không biết rồi đây Bộ sẽ quyết định như thế nào? Nỗi lo đang “lơ lửng” trước mắt đối với hàng nghìn, hàng vạn giáo viên trường tư!

Một vấn đề khác thầy Khang nêu ra là trường công có nhà nước trả lương cho giáo viên kể cả nghỉ hè. Do đó, nếu trường học có nghỉ 3 tháng hay 6 tháng thì giáo viên vẫn nhận đủ lương hàng tháng.

Nhưng với trường tư không làm thì không có lương, giáo viên không đến trường thì lấy đâu ra có lương. Bởi đặc thù của trường tư là “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.

“Covid- 19 một thế kỷ mới gặp đại họa này một lần, vượt qua cũng lao đao. Nhưng năm nào cũng 3 tháng nghỉ hè như thế thì các trường tư như chúng tôi lấy đâu nguồn tiền để trả lương cho giáo viên. Thầy cô sẽ sống bằng cách gì đây?” thầy Khang bày tỏ.

Vì thế, đối với trường tư thục, thầy Khang đề xuất nên giữ thời gian nghỉ hè 2 tháng như bấy lâu nay.

Trong khi đó, một nhà giáo khác - chủ của một cơ sở giáo dục tư thục (đề nghị không nêu tên) nêu quan điểm, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tư học 9 tháng/năm học như trường công thì mâu thuẫn với các định hướng và tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.

Cụ thể, vị này nêu ra 5 lý do:

Thứ nhất, chương trình nhà trường (ngoài chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường còn xây dựng chương trình riêng của trường) sẽ thực hiện vào thời gian nào?

Nếu học 9 tháng thì chỉ dạy đúng khuôn khổ chương trình của Bộ là vừa đủ thời gian và các trường đều dập khuôn cứng nhắc như nhau.

Như thế đâu còn sáng tạo, đâu còn chương trình phát triển toàn diện các kỹ năng khác, đâu còn thời gian để thực hiện chương trình nhà trường?

Điều này dẫn đến mâu thuẫn với chủ trương của Đảng và Chính phủ về "đổi mới, phát triển toàn diện giáo dục".

Thứ hai, về tự chủ tài chính, nếu mất 3 tháng hè đóng cửa thì trường tư lấy đâu nguồn chi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tháng đó, chưa kể cơ sở vật chất khấu hao,...

Hơn nữa, trường tư đáp ứng nhu cầu tự nguyện của phụ huynh trong 3 tháng hè, ngoài việc giúp các em có nơi ôn tập củng cố kiến thức cũ với các em lực học còn yếu, còn giúp nhiều em khác rèn luyện các kĩ năng, tham gia các câu lạc bộ năng khiếu/sở thích...để phụ huynh yên tâm đi làm.

Nếu giờ Bộ quy định trường tư cũng như trường công, chỉ học 9 tháng, các em không được tham gia hoạt động hè tại trường theo nhu cầu thì liệu có hạn chế quyền của phụ huynh không?

Thứ ba, kế hoạch phát triển của từng trường (khi đã nhiều năm nay xây dựng 10 tháng/năm học), bây giờ giảm còn 9 tháng thì nhà trường phải giảm chương trình Tiếng Anh hay giảm chương trình phát triển kỹ năng, hoạt động ngoại khóa,...

Thứ tư, về nguyên tắc, nếu học trên lớp mà ít thì phải học thêm nhiều mới thi đỗ được các kỳ thi nên nếu năm học chỉ kéo dài 9 tháng sẽ tạo hiện tượng học thêm tràn lan.

Thứ năm, học nhiều đều tốt và hướng đến lời nhắc nhở của Lê-Nin: "Học, Học nữa, Học mãi". Nghỉ học, chơi nhiều không phải lúc nào cũng là tốt nhất. Ngoài ra những học sinh học yếu thì cần có thời gian phụ đạo thì bố trí vào lúc nào (buổi tối hay thứ 7, chủ nhật) để nhồi nhét, như vậy sẽ làm khổ các em.

Nguồn https://giaoduc.net.vn