Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Làm mới hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ


Giáo dục kỹ năng sống (KNS) đang ngày càng được chú ý bởi điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tại các trường mầm non, việc giáo dục KNS đang được lồng ghép trong các hoạt động học, hoạt động chơi của trẻ.

Học sinh khối lớp lá, Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) học kỹ năng sống dưới sự hướng dẫn của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật - Sư đoàn 309. Ảnh: H.Yến

* Vẫn còn là hoạt động lồng ghép

Mặc dù được nhắc đến như là một nội dung quan trọng để giúp trẻ phát triển toàn diện, nhưng giáo dục KNS hiện vẫn còn là một hoạt động lồng ghép, tích hợp ở trong trường học. Theo đó, tùy theo việc xây dựng chương trình hoạt động, bài học, giáo viên có thể tích hợp giáo dục KNS trong bài học hoặc trong các hoạt động ngoại khóa.

Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, hoạt động giáo dục KNS chủ yếu nhằm đạt được: sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản; hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết: thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra nội dung, chương trình cụ thể nào về giáo dục KNS. Bản thân giáo viên phải tự tìm tòi, khai thác. Trong khi đó, muốn giáo dục KNS một cách hiệu quả cần phải xây dựng những chương trình chuyên biệt khác nhau, phù hợp với đối tượng người học. Mỗi lứa tuổi khác nhau cần có chương trình giáo dục khác nhau.

Theo bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 (Sở GD-ĐT), theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 5 lĩnh vực phát triển mà trẻ mầm non cần đạt được gồm: giáo dục phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm và phát triển thẩm mỹ. Mỗi lĩnh vực lại có các nội dung cụ thể.

Hiện nay, Sở GD-ĐT có quy định mỗi tháng, các trường mầm non phải tổ chức 2 hoạt động học có lồng ghép giáo dục KNS. Ngoài ra, giáo viên còn lồng ghép cho trẻ trong các hoạt động chơi, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. 

“Từ khi thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các hoạt động này được thực hiện tích cực hơn, học sinh cũng được tăng thêm hoạt động trải nghiệm phù hợp với điều kiện của nhà trường và thực tế của địa phương” - bà Ngân cho hay.

* “Học kỳ quân đội” trong trường mầm non

Để hoạt động giáo dục KNS đạt hiệu quả, học sinh cần phải được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Trên cơ sở trải nghiệm thực tế một cách có xúc cảm, trẻ sẽ dần hình thành cách thể hiện kỹ năng. Sự tương tác giữa người dạy và người học là yếu tố quan trọng, tác động đến cảm xúc của trẻ.

Hiểu được điều này, ngay từ đầu năm học 2019-2020, Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) đã có kế hoạch phối hợp tổ chức giáo dục KNS cho học sinh. Theo đó, trường phối hợp với đơn vị bộ đội kết nghĩa là Phòng Kỹ thuật - Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) để thực hiện hoạt động này.

Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị sẽ đến trường, phối hợp với giáo viên để hướng dẫn học sinh trải nghiệm các hoạt động như: thể dục - thể thao; chăm sóc vật nuôi; tưới cây; tự phục vụ bữa ăn; cách gấp mền gối... Sự có mặt của các chú bộ đội làm cho không khí lớp học trở nên rộn ràng, hào hứng hơn. Học sinh rất thích thú khi được tham gia hoạt động trải nghiệm này.

Theo cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen: “Khi kết hợp với các cán bộ, chiến sĩ để giáo dục KNS cho trẻ, chúng tôi nhận thấy trẻ hứng thú hơn, tập trung hơn. Vì hầu hết trẻ đều rất thần tượng các chú bộ đội nên khi các chú bộ đội trực tiếp giáo dục KNS cho trẻ thì sẽ hiệu quả hơn”.

Là giáo viên trực tiếp dạy học, cô Trương Mỹ Trinh, giáo viên Trường mầm non Hoa Sen nhận xét: “Khi được tiếp xúc với các chú bộ đội, các bé rất thích và rất hứng thú khi làm theo sự hướng dẫn của các chú. Môi trường quân đội là môi trường mang tính tập thể và tự lập cao nên thích hợp cho các bé rèn luyện KNS. Nếu phối hợp tốt giữa phương pháp giáo dục mầm non và kỹ năng trong quân đội thì các bé sẽ được đào tạo KNS một cách tốt nhất. Việc phối hợp này có thể xem như một học kỳ quân đội trong trường mầm non vậy”.

Còn đối với các cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật - Sư đoàn 309, được gần gũi, hướng dẫn các bé mầm non thực hiện nền nếp giống như trong môi trường quân đội ai cũng vui. Trong đợt “ra quân” đầu tiên, có 12 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã tham gia làm “nhiệm vụ”.

Theo trung tá Lê Quốc Hải, Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Kỹ thuật, hoạt động phối hợp trong giáo dục KNS này khá thành công. Cả nhà trường, đơn vị quân đội, phụ huynh và các cháu đều rất vui. Đó cũng là niềm tự hào của các cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động này.

“Tôi cho rằng mô hình này nên được nhân rộng để tạo thêm sân chơi cho các bé. Chúng tôi cũng đã bàn bạc với nhà trường là cần phải phát triển mô hình tốt hơn. Năm sau sẽ có các chương trình phù hợp với các lứa tuổi trong trường mầm non chứ không chỉ dành riêng cho khối lớp lá. Nếu mở rộng hoạt động, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tích cực, cả về cơ sở vật chất, phương tiện và con người” - trung tá Lê Quốc Hải cho biết.

Từ kết quả khả quan như trên, năm học tới đây, Trường mầm non Hoa Sen sẽ nhân rộng thêm và tiếp tục phát triển mô hình. Theo đó, trường hiện đã liên hệ với đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để có kế hoạch phối hợp, tổ chức cho học sinh đến tham quan đơn vị để trẻ được xem các mô hình, tìm hiểu nguy cơ xảy ra cháy, cách thoát hiểm khi có cháy... Ngoài ra, trường sẽ mời cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến để tổ chức thêm hoạt động giáo dục KNS về thoát hiểm, kỹ năng cơ bản phòng cháy trong trường...

Nguồn http://www.baodongnai.com.vn