Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo cụ trực quan từ nguyên học liệu thiên nhiên dễ kiếm tìm, an toàn cho trẻ


Ngày 26/6 vừa qua, trường mầm non Văn Nho (xã Văn Nho, huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức hội thi đồ dùng dạy học, đồ chơi từ nguyên học liệu thiên nhiên.

Cuộc thi được tổ chức nhằm phát huy tính sáng tạo của mỗi giáo viên trong công tác giảng dạy để hướng tới những tiết học hiệu quả, kích thích tư duy học tập cho trẻ và đáp ứng tính thực tế, an toàn, dễ sử dụng với trẻ mầm non.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng trường mầm non Văn Nho khai mạc hội thi

Tại hội thi, các sản phẩm như đồ dùng học tập hay đồ chơi của các em học sinh đều được tận dụng từ các nguồn nguyên học liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương như: luồng, tre, gỗ, các hạt cây rừng...

Hội đồng giám khảo chấm thi

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường Mầm Non Văn Nho trong năm học này có 256 học sinh 100% các cháu đều là con em đồng bào dân tộc Thái trong vùng đặc biệt khó khăn của huyện Bá Thước – Thanh Hóa. Dù đời sống của người dân nhiều khó khăn, thiếu thốn, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn hẹp nhưng người dân sống rất chân thành và hiếu học, cũng như tích cực ủng hộ các phong trào giáo dục của nhà trường".

Các mô hình đều được làm tỉ mỉ, khéo léo và sinh động

"Đưa mô hình những sản phẩm thân thuộc trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Thái vào trong môi trường học đường là cách để giáo dục cho trẻ hiểu và giữ gìn bản sắc dân tộc của các em. Điều này còn giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về chuyên môn của các thầy cô giáo bậc học mầm non. Từ đó hình thành ý thức chung tay giáo dục trẻ nhỏ trong cộng đồng", cô Phương chia sẻ.

Hội thi thu hút đông đảo người dân cũng như các bậc phụ huynh tham quan

Những đồ dùng, đồ chơi tại hội thi đều đáp ứng được yêu cầu về sự an toàn, bền, đẹp và mang đậm bản sắc vùng miền, gần gũi, phù hợp với nhận thức và tư duy của trẻ.

Trong những năm vừa qua, tập thể các thầy cô giáo của trường mầm non Văn Nho luôn chủ động vượt qua mọi khó khăn để duy trì ổn định 11 nhóm lớp. Việc thực hiện và phát triển phong trào làm đồ dùng dạy học, đồ chơi từ nguyên học liệu thiên nhiên cũng là cách để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện Bá Thước.

Nguồn https://giaoducthoidai.vn