Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá
Sáng nay 26/6 tại Trường mầm non Thái Tân, huyện Nam Sách, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm".
Thử làm "nghệ nhân" gốm sứ Chu Đậu
Tham gia hội nghị có PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, các phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cùng hiệu trưởng một số trường mầm non (TMN) trên địa bàn.
Thay đổi tích cực
Kết quả sau 5 năm triển khai cho thấy, các Phòng GD&ĐT, các cơ sở GDMN nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyên đề, từ đó làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch gọn các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho TMN; tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".
Trẻ được trải nghiệm thực tế
Thông qua đánh giá xây dựng và khai thác môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, các cơ sở GDMN có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong việc bố trí, sắp xếp và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tạo cơ hội tốt nhất cho trẻ được hoạt động, khám phá, trải nghiệm nhằm phát huy năng lực cá nhân và tính năng động, sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu vui chơi theo đúng đặc điểm phát triển của lứa tuổi;
Nhiều ý kiến của các nhà trường đều cho rằng, kết quả thực hiện chuyên đề cũng là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất, đội ngũ từ đó Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung những điều kiện căn bản nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục;
Trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng của trẻ; mạnh dạn, tự tin, tự mình khám phá, tự mình tham gia thực hành theo ý tưởng; tích cực tham gia các hoạt động; có các kỹ năng học tập cần thiết tạo nền tảng tốt khi trẻ bước vào lớp 1.
Khó khăn khách quan
Tuy nhiên cũng còn có khó khăn khách quan như: Diện tích khuôn viên của một số trường còn chật hẹp, khu vui chơi vận động chưa phong phú các trò chơi, thiếu phòng giáo dục thể chất. Một số trường còn từ 2 đến 3 khu lẻ nên việc thực hiện chuyên đề chưa thật sự đồng bộ giữa các khu trong cùng một trường;
Do thực hiện Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, theo đó, mỗi đơn vị hành chính cấp xã chỉ có 1 trường mầm non công lập, nên sĩ số trẻ/lớp đông, trường có nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo; đòi hỏi kinh phí đầu tư cơ sở vật chất lớn; việc tổ chức các hoạt động tập thể gặp nhiều bất cập.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao thưởng cho các đơn vị
Một số trường mầm non chưa biết cách tận dụng triệt để các không gian sẵn có trong trường để tạo thành các khu vực vui chơi, trải nghiệm cho trẻ; việc tạo môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở một số trường còn mang tính trang trí, trưng bày, chưa thực sự hướng đến hiệu quả sử dụng trên trẻ;
Nhiều trường thiếu giáo viên mầm non theo quy định, một số ít giáo viên thiết kế các hoạt động giáo dục chưa sáng tạo, chưa quan tâm nhiều đến việc lựa chọn các hoạt động nhằm khai thác môi trường sẵn có để tổ chức hoạt động cho trẻ, tổ chức các hoạt động chưa thật linh hoạt, ít chú ý đến cá nhân trẻ.
Không có kinh phí chi riêng cho việc thực hiện Chuyên đề nên ở một số trường, việc tạo môi trường cho trẻ hoạt động còn hạn chế, kết quả tổ chức các hội thi, chuyên đề chưa đạt như mong muốn.
Cần ưu tiên nguồn lực
Tại Hội nghị, nhiều kiến nghị được đưa ra: UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các cấp làm tốt công tác quy hoạch gọn các điểm trường tập trung, xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, tăng cường cơ sở vật chất, ưu tiên các nguồn lực để phát triển GDMN.
Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế đối với GV tại các cơ sở GDMN để bố trí đủ số lượng người làm việc đảm bảo các hoạt động chăm sóc, GD trẻ. Bổ sung vị trí việc làm đối với nhân viên y tế, nuôi dưỡng trong trường mầm non để đảm bảo chất lượng chăm sóc - nuôi dưỡng trẻ.
Tham mưu với Chính phủ có chế độ lương và các chính sách ưu tiên GVMN trong việc học tập nâng cao trình độ theo cơ chế đặc thù. Ban hành quy định cụ thể về đồ dùng, thiết bị tối thiểu, hoạt động của phòng chức năng, cũng như ban hành Chương trình cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|