Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi
Ngày 26-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 628/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 51/KL/TƯ của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt kế hoạch tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi (nguồn internet)
Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 628/QĐ-TTg, kế hoạch đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo. Cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, kiến thức pháp luật và ý thức công dân;
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập;
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm các điều kiện cơ bản để triển khai hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới;
Thứ năm, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát;
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Để đẩy mạnh chất lượng chăm sóc, giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo đến trường; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ triển khai tổ chức việc học tập suốt đời cho người lớn, phấn đấu mỗi người, mỗi gia đình, làng, xã trở thành công dân học tập, gia đình học tập và đơn vị học tập.
Với nội dung đổi mới công tác quản lý và tài chính, theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các quy định về cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí cho mỗi ngành, nghề, trình độ đào tạo; tập trung đầu tư, hỗ trợ những lĩnh vực, ngành, nghề đặc thù, quan trọng và cần thiết mà xã hội có nhu cầu; những ngành, nghề khác thì thực hiện chính sách xã hội hóa; tạo điều kiện để phát triển quỹ khởi nghiệp sáng tạo và quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ học sinh, sinh viên; hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên...
Nguồn http://hanoimoi.com.vn
|