Bí mật sau 'bức tường năm 9 tuổi' của trẻ em
Kết quả nghiên cứu 40 năm của đại học Yale, Mỹ cho thấy, "Bức tường năm 9 tuổi" là cột mốc quan trọng, quyết định thành tích học tập của trẻ.
Bác sĩ tâm lý nổi tiếng người Nhật Bản Hideki Wada là người đã đưa ra khái niệm "bức tường năm 9 tuổi", đề cập đến sự phát triển trí não của trẻ đã hoàn thiện đến mức độ nào đó và bước sang một giai đoạn phát triển khác khi 10 tuổi. Nghiên cứu cho thấy não bộ con người phát triển nhanh nhất trước 10 tuổi. Vào khoảng 12 tuổi, não người có kích thước và trọng lượng tương đương với người trưởng thành.
Sau 9 tuổi, trọng lượng của não bộ tăng ít, tuy nhiên các cấu trúc bên trong tế bào não trở nên phức tạp hơn, các chức năng khác nhau của não trưởng thành hơn. Nhà giáo dục Rudolf Steiner gọi đây là thử thách "một đi không trở lại" của trẻ. Trong giai đoạn này, các đặc điểm về thể chất, tâm lý của trẻ thay đổi đáng kể, trở thành bước cuối cùng để trở nên tự lập trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là bố mẹ có thể để trẻ tự do, nhưng cũng dần dần phải học cách buông tay, để trẻ tự đưa ra một số quyết định cho chúng. Làm thế nào để biết trẻ đang đứng trước "bức tường 9 tuổi"? Mỗi trẻ có một quá trình phát triển riêng, nhưng cột mốc "bức tường 9 tuổi" chỉ là một giai đoạn có xác suất cao. Một số trẻ em có thể đã thực hiện được tư duy trừu tượng khi chúng 7-8 tuổi, nhưng cũng có những trẻ hơn 10 tuổi nhưng khả năng tư duy trừu tượng chưa phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, về cơ bản, quá trình này diễn ra trong giai đoạn từ 9-11 tuổi. Qua nhiều năm quan sát lâm sàng, bác sĩ Hideki Wada xác định rằng những đứa trẻ vượt qua "bức tường 9 tuổi" sẽ hình thành khả năng suy nghĩ và nắm bắt mọi thứ một cách trừu tượng, đồng thời có khả năng tự suy nghĩ về các khái niệm. Điều này có nghĩa là trẻ dần hiểu ý nghĩa và sự khác biệt của nguyên nhân và kết quả, mục đích và phương tiện, tiền đề và kết luận, khẳng định và phủ định... Tuy nhiên, đối mặt với "bức tường 9 tuổi", nhiều trẻ với tư duy trừu tượng chưa được phát triển đầy đủ có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các bài toán hóc búa, những câu "mẹo"... Thành tích học tập cũng vì thế có thể giảm sút. Khi trẻ 9 tuổi, những thói quen xấu trong học tập vốn được tích lũy từ trước đây, có thể sẽ xuất hiện. Tại thời điểm này, thành tích học tập của trẻ có thể sẽ bị thay đổi do nhiều yếu tố: không nắm bắt được kịp lượng kiến thức, chịu nhiều sức ép từ thầy cô giáo, phụ huynh... Nhiều cha mẹ nhận thấy rằng con trở nên chểnh mảng hơn, kết quả học tập kém hơn ở giai đoạn này, dù khi học lớp 2, lớp 3, con có thành tích tốt.
Phụ huynh cần làm gì cho trẻ trong giai đoạn trẻ 9 tuổi? Tăng sự tự tin cho trẻ Nhà tâm lý học Carol Dweck đã tiến hành thử nghiệm với một nhóm trẻ gặp khó khăn học tập trong giai đoạn lớp 4, tại một trường tiểu học ở Chicago. Nhà tâm lý học chỉ ra rằng vấn đề nằm ở việc trẻ chưa nắm bắt kịp, tức là chúng đang trên đường nắm bắt và học hỏi nhưng chưa "sáng tỏ". Tình trạng này không được giải quyết nếu chỉ học tập chăm chỉ, mà chỉ có một cách, là kiên nhẫn chờ đợi não bộ của trẻ thực hiện tư duy trừu tượng, tức là vượt qua "bức tường 9 tuổi". Trong khi trường học không thể chờ đợi, phụ huynh đừng nên gây áp lực cho trẻ. Không nên đổ lỗi cho trẻ "dốt", không nên trọng thành tích mà ép trẻ học thêm. Điều này càng khiến trẻ bị mệt mỏi, thậm chí có suy nghĩ rằng mình dốt, dần dần trở nên tự ti. Cần giúp trẻ tăng thêm sự tự tin vào bản thân, để trẻ không vì một thành tích kém nào đó mà trở nên mất tự tin, khiến thành tích học tập bị tụt dốc. Phát triển khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ Theo độ tuổi lớn dần, trẻ trở nên quyết đoán hơn, có quan điểm riêng trong nhiều vấn đề. Nhiệm vụ của cha mẹ lúc này, quan trọng nhất chính là khơi gợi cho trẻ khả năng suy nghĩ chủ động. Cha mẹ cần làm cho trẻ thấy được những nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập của mình, tích cực tìm kiếm giải pháp nếu kết quả đó là kém đi. Từ đó, trẻ duy trì được sự nhiệt tình trong học tập. Cho trẻ đọc thêm sách để tăng kiến thức Chúng ta luôn sợ hãi những điều mà chúng ta không biết. Vậy thì chỉ khi có kiến thức và hiểu biết về mọi thứ, con người mới tự tin và mạnh mẽ hơn. Trẻ em càng như vậy, đôi khi trẻ sợ mọi thứ vì chưa có cơ hội được trải nghiệm. Theo các chuyên gia về trẻ em, nên cho trẻ đọc sách, đặc biệt là các loại sách về lịch sử, văn hóa. Thông qua việc đọc, trẻ có thêm những hiểu biết mới mẻ, kiến thức rộng lớn hơn, tầm nhìn từ đó cũng xa hơn. Một ngày đọc một câu chuyện, một năm đã tích lũy được hơn 300 câu chuyện làm vốn sống, đó chính là món quà ý nghĩa mà bạn dành cho con mình.
Nguồn VNE |