Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu trẻ cầu toàn


 

Trẻ cầu toàn dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích, không cảm thấy thỏa mãn với những thành tích đạt được, dẫn đến các vấn đề về tinh thần như trầm cảm.

 

Người cầu toàn hay người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường đặt ra kỳ vọng cao cho bản thân và mọi người xung quanh. Nhiều phụ huynh tự hào khi con sở hữu tính cầu toàn vì cho rằng tính cách này giúp nâng cao thành tích học tập, hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, nếu là người cầu toàn, trẻ đang tự đặt ra những áp lực vô hình cho bản thân, từ đó cản trở bước phát triển cá nhân.

 


Chẳng hạn, trẻ bình thường đặt mục tiêu để vươn lên nhưng trẻ có tính cầu toàn mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo, không hài lòng với sự cố gắng của mình dù các em đã làm tốt. Như vậy, các em luôn có cảm giác không đủ, không thỏa mãn. Tự tạo ra áp lực cho bản thân về lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như rối loạn lo âu, trầm cảm.

 

Các dấu hiệu

 

- Dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích: Trẻ cầu toàn muốn xuất hiện hoàn hảo trong mắt mọi người nên khi bị phê bình, chỉ trích, các em dễ bị tổn thương hơn người bình thường. Kết quả, nhiều em che đậy khó khăn, từ chối được giúp đỡ.

 

- Tính trì hoãn: Trẻ em bình thường muốn hoàn thiện bài tập về nhà nhưng trẻ cầu toàn lại lo lắng bản thân làm không tốt, tập trung nhiều vào các tiểu tiết. Các em chọn trì hoãn việc làm bài tập đến sát giờ nộp để không phải lo nghĩ nhiều.

 

- Tự phê bình, tự xấu hổ: Dù đạt điểm 9, trẻ cầu toàn cũng chỉ nhìn vào 1 điểm chưa đạt kia và cho rằng bản thân học chưa giỏi, chưa nỗ lực hết sức. Thậm chí, các em không ngừng so sánh mình với bạn được 9,5 hoặc 10. Với hành động này, các em đang tự tạo áp lực cho bản thân, trở nên tự ti, nhút nhát.

 

- Thiếu linh hoạt: Người bình thường đặt mục tiêu và có thể nâng hoặc hạ mục tiêu phù hợp với khả năng và hoàn cảnh nhưng trẻ cầu toàn không như vậy. Các em sẽ nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu, thường là những điều cao hơn khả năng.

Không chỉ vậy, trẻ cầu toàn thường tỏ ra cứng nhắc, rập khuôn khi làm việc.

 

- Nhận được sự kỳ vọng cao từ bố mẹ: Tính cách cầu toàn của trẻ có thể hình thành để thỏa mãn những kỳ vọng ngày một tăng cao từ phía phụ huynh. Nếu bố mẹ mong con trở thành người giỏi nhất, hoàn hảo nhất, không có gì ngạc nhiên khi trẻ luôn tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân.

 

- Sợ thất bại: Đối với những đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo, thất bại là điều đáng xấu hổ khi các em luôn cố gắng phát triển cao hơn nữa. Nỗi sợ thất bại có nhiều nguyên nhân như: trẻ luôn lo lắng làm sai việc, không đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ, lo bị bạn bè chê cười.

 

- Chỉ trích người khác: Trẻ cầu toàn không chỉ đặt ra những tiêu chuẩn cho riêng mình mà có thể áp dụng tiêu chuẩn đó cho mọi người xung quanh. Các em thường ít khi đặt mình vào tình huống của người khác, hiểu cho hoàn cảnh của họ mà chỉ quan tâm đến chất lượng, kết quả làm việc. Khi không vừa ý, các em sẽ chỉ trích, lên lớp người khác.

 

Tính cầu toàn thái quá không giúp con bạn phát triển mà ngược lại còn phản tác dụng. Ví dụ, lo lắng về sự thất bại ngăn cản trẻ trải nghiệm thử thách, điều mới mẻ và tiếp cận thành công. Khi tích tụ áp lực lâu ngày, trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm.

 

Lời khuyên giúp trẻ thay đổi tính cầu toàn

 

- Khen ngợi nỗ lực thay vì kết quả: Bố mẹ không nên khen con đã đạt 10 điểm mà nên khen con đã học hành chăm chỉ. Hãy nói rõ rằng thành tích không phải điều duy nhất trong cuộc sống, sự cố gắng hoặc nỗ lực cũng rất quan trọng.

 

- Chia sẻ thất bại của bố mẹ: Bạn hãy nói với con rằng mọi người đều không hoàn hảo, ngay cả bố mẹ cũng vậy. Bạn có thể kể về những vấp ngã đầu tiên trong cuộc đời, những khó khăn khó quên để trẻ hiểu ra rằng thất bại là một phần của cuộc sống. Thay vì từ chối nó, chúng ta phải chấp nhận và tìm cách vượt qua.

 

- Không đặt nặng kỳ vọng: Thay vì đưa ra những kỳ vọng cao, bố mẹ nên đánh giá lại khả năng, trình độ của con để đặt ra những yêu cầu phù hợp. Chẳng hạn, bạn không thể mong đợi một đứa bé giỏi Văn luôn đứng đầu lớp môn Toán. Nếu trẻ không đạt được mục tiêu bố mẹ đề ra, hãy động viên, khuyên nhủ con cố gắng hoàn thành những điều trong tầm với.

 

- Đặt mục tiêu thực tế: Khi thấy trẻ đang đặt ra những mục tiêu quá sức, bố mẹ hãy giải thích cho con hiểu và gợi ý con hạ thấp hoặc thay đổi mục tiêu.

 

- Khuyến khích hoạt động nhóm: Các hoạt động nhóm giúp trẻ phát triển cái tôi lành mạnh, biết cách hòa nhập vào cái chung.

 

(Theo Verywell Family)

 

https://vnexpress.net