Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non đang...bị bỏ quên


 

Trong khi các quốc gia khác luôn quan tâm và đề cao giáo dục mầm non thì tại Việt Nam vẫn còn nhiều địa phương trẻ không thể đi học do thiếu trường lớp.

 

Cũng vào thời điểm này cách đây 2 năm, gia đình anh Vũ Tuấn Long (xã Quỳnh Lộc, Hoàng Mai, Nghệ An) chạy đôn đáo để tìm lớp học mầm non cho con. Nhiều trẻ nhỏ may mắn hơn cũng phải học trong nhà văn hóa của thôn hoặc những phòng học đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn.

 

Anh Long chia sẻ: “Học mầm non là vất vả nhất vì thường xuyên thiếu lớp học. Gia đình không gửi con đến trường, lớp đành phải để các cháu ở nhà.

 

 

Cần đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của giáo dục mầm non.


Hai năm trước cháu gái nhà tôi đến tuổi học mầm non cũng không có lớp phải gửi ông bà nội ngoại 1 năm. Tôi mong chính quyền xã sẽ quan tâm hơn đến lứa tuổi mầm non này để các cháu có thể đi học”.

 

Tại một số địa phương như tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…bắt đầu năm học mới là lại xuất hiện tình trạng trẻ mầm non không được đến trường do thiếu trường lớp. 

 

Từ thực tế này đặt ra câu hỏi: Phải chăng giáo dục mầm non tại Việt Nam  đang thiếu đi sự quan tâm cần thiết?

 

Trong khi tại nhiều quốc gia luôn nhận định: Độ tuổi trẻ học mầm non là một độ tuổi quan trọng định hình sự phát triển cũng như nhân cách của trẻ sau này.

 

Thầy Đặng Minh Chưởng, chủ hệ thống Trường mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An bày tỏ: “Tôi cho rằng giáo dục Việt Nam đang xây nhà từ nóc và hoàn toàn trái ngược với mô hình giáo dục tại nhiều quốc gia. 

 

Tại một số quốc gia họ quan niệm rằng giáo dục mầm non chính là gốc rễ, càng lên cao là phần ngọn; gốc rễ có khỏe mạnh và chắc chắn thì cái cây mới có thể phát triển khỏe mạnh được. 

 

Tuy nhiên ở nước ta thì hoàn toàn làm ngược lại: Giáo dục mầm non thiếu đi sự quan tâm cần thiết và đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng. 

 

Câu chuyện thiếu trường lớp, trẻ mầm non không được đi học không chỉ diễn ra tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…mà diễn ra ở rất nhiều địa phương khác trong đó có cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Lý giải về nguyên nhân trẻ mầm non tại nhiều nơi không được đến trường thầy Chưởng cho rằng: 

 

“Việc thừa thiếu lớp học dành cho trẻ mầm non không phải là câu chuyện mới mà năm nào cũng diễn ra cục bộ ở một số địa phương.

 

Nguyên nhân có thể do năm học đó số lượng trẻ tăng đột biến cho nên không đáp ứng đủ nhu cầu trường lớp cho các con đi học. 

 

Tuy nhiên theo tôi gốc rễ sâu xa nằm ở chính sách. Thứ nhất, thiếu đi sự quan tâm đối với giáo dục mầm non mà như tôi đã nói là xây nhà từ nóc. 

 

Thứ hai, các nguồn lực xã hội hóa đang bị hạn chế do nhiều rào cản về chính sách cũng như cơ chế”.

 

Một trong những khó khăn của giáo dục mầm non được thầy Chưởng chỉ ra đó chính là sự hạn chế về nguồn lực xã hội hóa cũng như khối tư thục mầm non đang thiếu đi sự quan tâm của Nhà nước.

 

Trong đó câu chuyện các trường mầm non tư thục mùa dịch Covid-19 “còn đàn chó cũng phải bán” là một câu chuyện điển hình.

 

Theo thầy Đặng Minh Chưởng đã đến lúc Nhà nước và ngành giáo dục cần đánh giá và nhìn nhận đúng đắn vai trò quan trọng của giáo dục mầm non: 

 

“Để tháo gỡ cho vấn đề này Nhà nước buộc phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, mở cửa cho tư nhân vào làm. 

 

Mô hình giáo dục Việt Nam hiện nay được ví như hình cái nón tức là phần đáy (giáo dục mầm non) to, rộng càng lên cao thì càng thu hẹp dần. Nguồn ngân sách Nhà nước không đủ để xây dựng trường học thì nên để cho tư nhân vào làm. 

 

Nhưng khi Nhà nước cho tư nhân vào mở trường cần tạo những điều kiện thuận lợi như các chính sách ưu đãi về vốn, về mặt bằng…Có như thế mới có thể giải quyết được bài toán thiếu trường, lớp cho trẻ mầm non”.

 

 

Nhà nước có thể tận dụng các nguồn xã hội hóa hoặc để tư nhân vào mở trường nhưng cần có những chính sách hỗ trợ cần thiết.


 

Hiện nay, khối giáo dục mầm non đang gặp nhiều vấn đề. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc xã hội, Nhà nước chưa đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

 

Thứ nhất, nguồn lực đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non còn nhiều hạn chế. Mức lương thấp, áp lực công việc cao là một trong những lý do khiến nghề giáo viên mầm non đang kém hấp dẫn.

 

Thứ hai, đối với khối mầm non tư thục đang gặp nhiều rào cản từ chính quyền địa phương khiến nhiều chủ đầu tư dù tâm huyết với ngành giáo dục cũng e dè trong việc quyết định mở trường.

 

Hệ quả là nhiều năm trở lại đây tại một số tỉnh/ thành phố diễn ra tình trạng trẻ đến độ tuổi mầm non không được đi học do thiếu trường lớp. Trẻ mầm non không được đến trường, phụ huynh loay hoay tìm cách gửi con, giáo viên mầm non bỏ việc, chủ đầu tư dù tâm huyết cũng ngại ngần đầu tư. 

 

Đây là câu chuyện về vòng luẩn quẩn giáo dục mầm non tại Việt Nam. Sẽ không bất ngờ nếu như bắt đầu năm học mới (2020-2021) lại xuất hiện những bài báo: Hàng trăm, hàng nghìn trẻ mầm non không được đến trường. Vì gốc rễ của vấn đề vẫn còn đó.

 

Kết thúc câu chuyện, thầy Đặng Minh Chưởng tâm sự: “Độ tuổi mầm non là độ tuổi rất quan trọng. Tôi mong Nhà nước tới đây sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho tư nhân vào làm giáo dục mầm non. 

 

Từ lâu xã hội thực sự chưa quan tâm nhiều đến giáo dục mầm non. Kể cả khi chúng tôi gặp khó khăn vẫn còn nhiều người nói rằng: Đây là đầu tư mạo hiểm, khi anh làm thì phải chấp nhận rủi ro. 

 

Nhưng theo tôi đầu tư vào giáo dục bên cạnh lợi nhuận thì cái đích lớn nhất là vì con người, đạo lý và tính nhân văn. Tôi mong giáo dục Việt Nam sẽ xây chắc phần móng chứ không xây nhà từ nóc như hiện nay”.

https://giaoduc.net.vn