Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các mốc phát triển bình thường của bé 2 tháng tuổi



Hãy tham khảo những mốc quan trọng dưới đây để giúp bé phát triển và học hỏi tốt hơn.

 

Theo thống kế Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ có tới gần 17% trẻ em tại Mỹ có biểu hiện khiếm khuyết về phát triển và hành vi. Sớm phát hiện khiếm khuyết ở trẻ nhỏ giúp các bậc phụ huynh sớm hành động. Thấu hiểu tầm quan trọng về sự phát triển bình thường của trẻ trong những năm đầu đời, CDC - Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ đầu tư cho chiến dịch "Học dấu hiệu. Sớm hành động". Chiến dịch nhằm giúp các bậc phụ huynh nắm được từng bước phát triển của bé theo từng mốc phát triển quan trọng.

Những mốc phát triển quan trọng dưới đây liệt kê những điều hầu hết các bé có thể làm ở những giai đoạn nhất định, một số có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn.

 

 

Bé 02 tháng tuổi

Bé có thể làm gì tại mốc này?

Xã hội/Cảm xúc

- Tự trấn an bản thân (có thể bé sẽ cho tay vào trong miệng và mút tay)
- Bắt đầu cười với người khác
- Cố gắng nhìn gương mặt của bố, mẹ

Ngôn ngữ/Giao tiếp

- Miệng phát ra âm thanh nho nhỏ
- Hướng đầu về phía có âm thanh

Nhận thức (học hỏi, suy nghĩ, giải quyết vấn đề)

- Chú ý tới khuôn mặt người
- Bắt đầu dõi mắt theo những vật chuyển động và nhận ra người ở khoảng cách nhất định
- Bắt đầu thể hiện cảm xúc khi buồn chán (khóc, quấy)

Vận động/ Phát triển thể chất

- Có thể cất đầu lên và bắt đầu rướn người khi cho nằm sấp
- Tay và chân chuyển động nhịp nhàng hơn

 

 

Bạn có thể làm gì để giúp bé phát triển

- Âu yếm, nói chuyện, và chơi với bé trong lúc cho bé ăn, thay đồ và tắm cho bé.
- Giúp bé học cách trấn an bản thân. Không vấn đề gì nếu bé mút tay mình.

 

 

- Hãy bắt đầu tạo thời gian biểu và thực hiện đều đặn cho bé, bao gồm cả việc luyện cho bé ngủ đêm nhiều hơn ban ngày.
- Làm quen với những điều bé thích và không thích có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu và tự tin hơn.
- Luôn tỏ ra hào hứng và cười khi bé ú ớ phát ra âm thanh.
- Thỉnh thoảng bạn hãy bắt chước những âm thanh của bé, nhưng cũng hãy dùng cả những âm tiết rõ ràng của bạn.
- Hãy lưu tâm đến những tiếng khóc khác nhau của bé bạn sẽ học được cách phân biệt được khi nào bé cần gì.
- Nói chuyện, đọc sách, và hát cho bé nghe.
- Chơi ú òa với bé. Giúp bé cùng chơi ú òa.

 

 

- Đặt một chiếc gương an toàn vào trong cũi hoặc giường của bé để bé có thể nhìn được mình trong gương.

- Cùng xem tranh với bé và nói cho bé nghe về bức tranh
- Cho bé nằm sấp khi bé thức dậy và đặt đồ chơi cạnh bé

 

 

- Cầm đồ chơi hoặc xúc xắc phía trước bé và cổ vũ bé chạm vào.
- Bế đứng bé, chạm chân bé xuống sàn. Hát và nói chuyện với bé trong lúc bế bé đứng.

Hãy trao đổi với bác sỹ nếu bé của bạn:

- Không phản ứng với âm thanh lớn
- Không nhìn theo đồ vật đang di chuyển
- Không cười với người khác
- Không cho tay vào miệng
- Không cất đầu lên hoặc rướn người khi nằm sấp.

 

Nguồn PLXH