Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ hạn chế phụ thuộc vào công nghệ


 

Trẻ em ngày nay không được học cách đọc bản đồ, gọi điện vì có GPS, danh bạ điện thoại, nhưng sẽ ra sao nếu thiết bị hỏng, hết pin hoặc mất sóng?

 

Theo cuộc khảo sát năm 2019 của công ty công nghệ Roxi, Anh, trẻ em dưới 14 tuổi dành trung bình 23 giờ mỗi tuần cho điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ khác. Với thanh thiếu niên, con số này lên tới gần 50 giờ mỗi tuần. Trẻ em dần bị phụ thuộc vào công nghệ làm hạn chế nhiều kỹ năng xã hội. Dưới đây là tám kỹ năng sống trẻ nên học để hạn chế phụ thuộc công nghệ.

 

1. Đọc bản đồ

 

Hiện nay, GPS được sử dụng phổ biến và dễ dàng chỉ cần thiết bị được cài đặt sẵn, có Internet và đầy pin. Nhưng câu chuyện sẽ ra sao nếu thiết bị của trẻ bị hỏng, hết pin hoặc trẻ đi lạc đến những nơi không có sóng?

 


 

Với người lớn từng sống qua thời đại công nghệ thông tin chưa phát triển, kỹ năng đọc bản đồ là quan trọng nên có thể không lo ngại vấn đề liên quan đến GPS. Trẻ em lớn lên với công nghệ thì khác. Sự phụ thuộc vào GPS, bản đồ điện tử có thể hạn chế nhận thức về không gian và kỹ năng phán đoán trực quan.

 

2. Gọi điện và nhắn tin

 

Nhắn tin, gửi email, gọi video là những kỹ năng mà thanh thiếu niên ngày nay nằm lòng, nhưng không phải tất cả đều biết cách nói chuyện lịch sự, chuyên nghiệp với từng nhóm người. Nhiều trẻ thích sử dụng từ viết tắt, tiếng lóng nhưng nó chỉ dùng trong trường hợp trò chuyện với bạn bè, người cùng thế hệ. Với người lớn tuổi như giáo sư, sếp, hoặc trong bối cảnh trang trọng như thảo luận công việc, các em cần được dạy cách trò chuyện phù hợp.

 

Ngoài ra, dù số điện thoại có thể lưu trữ trong thiết bị di động, phụ huynh nên nhắc con học thuộc số điện thoại của người thân, phòng trường hợp không thể dùng đến công nghệ.

 

3. Chữ viết tay

 

Hiện nay, không còn nhiều yêu cầu chữ viết tay phải sạch đẹp bởi hầu hết mọi văn bản đều được soạn thảo trên thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, khả năng viết chính tả vẫn là một trong những bài học vỡ lòng của trẻ tiểu học. Việc luyện viết chữ còn dạy các em cách đọc và giao tiếp, khả năng nhẫn nại, kiên trì, chăm chỉ. Trẻ không cần viết chữ đẹp, cầu kỳ nhưng vẫn nên duy trì cách viết sạch, rõ ràng, dễ đọc.

 

4. Viết thư tay

 

Dịch vụ Bưu chính Mỹ chỉ ra năm 2010, các hộ gia đình Mỹ chỉ nhận trung bình một lá thư tay trong bảy tuần, dù gần 30 năm trước thư tay được chuyển đến trung bình hai tuần một lần. Viết thư tay đòi hỏi thời gian, công sức và chuẩn bị nhiều hơn soạn thảo thư trên thiết bị công nghệ với những ứng dụng soát lỗi chính tả, kiểm tra ngữ pháp. Vậy nên các lá thư tay đang dần biến mất.

 

Tuy nhiên, thư tay là công cụ giao tiếp lâu dài, có giá trị, có thể truyền đạt cảm xúc tốt hơn các lá thư công nghệ. Thư tay còn thể hiện sự sâu sắc, nghiêm túc trong các mối quan hệ nên việc học viết thư tay vẫn mang giá trị nhất định.

 

5. Tra cứu thông tin ngoại tuyến

 

Với Google, chỉ cần một vài từ khóa, con người có thể tra cứu thông tin trong thời gian chưa đầy một phút. Tuy nhiên, nhược điểm của thông tin trên Internet là độ chính xác không cao, chưa phù hợp cho mục đích học thuật.

 

Vào những tình huống cần số liệu chính xác hoặc thông tin mang tính kiểm chứng, việc tra cứu tại thư viện là lựa chọn phù hợp. Thay vì ngồi nhà nghiên cứu qua máy tính, trẻ nên đến thư viện, học cách tra cứu thông tin và tìm đọc những tài liệu đã được kiểm duyệt. Ngoài ra, thư viện còn khuyến khích các em khám phá những ý tưởng.

 

6. Giao lưu trực tiếp

 

Trong thời đại công nghệ số, ngay cả việc đi siêu thị mua thức ăn cũng có thể thay thế bằng mua sắm trực tuyến, thao tác qua Internet mà không cần bước chân ra khỏi nhà. Sự tiện lợi, nhanh chóng này có thể ngăn cản trẻ học các kỹ năng xã hội cơ bản như giao tiếp. Hạn chế tương tác xã hội khiến các em thụ động, sống khép mình, mất cơ hội phát triển trong sự nghiệp hoặc khó xây dựng các mối quan hệ với mọi người xung quanh.

 

7. Trí tuệ cảm xúc

 

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức, kiểm soát và đánh giá cảm xúc của bản thân và người khác. Người có EQ cao có thể phân loại cảm xúc của mình, ổn định những cảm xúc cực đoan và phát huy những cảm xúc tích cực. Trong thời đại công nghệ, EQ có thể bị tác động bởi lượt thích, bình luận ảo hoặc ý kiến của cộng đồng ảo.

 

Trẻ sẽ khó điều khiển cảm xúc cá nhân nếu phụ thuộc vào sự ủng hộ, liên kết với những cá nhân ảo thông qua Internet, mạng xã hội. Lấy ví dụ, nếu một bức ảnh có ít lượt thích, một bình luận chê bai, trẻ sẽ nảy sinh tâm trạng thất vọng, buồn bã, tự ti về bản thân và nỗ lực để tìm kiếm sự yêu thích trên Internet.

 

Để không bị ảnh hưởng bởi những luồng ý kiến trái chiều, trẻ phải học cách làm chủ cảm xúc của bản thân. Một số kỹ năng như giải tỏa căng thẳng, hạn chế áp lực, duy trì niềm vui có thể hữu ích trong những tình huống này.

 

8. Ngắt kết nối công nghệ

 

Chơi ngoài trời, dành thời gian thực bên bạn bè, gia đình mang lại lợi ích về mặt sức khỏe và tinh thần. Trẻ em hiện đại không chỉ học cách sử dụng thiết bị công nghệ mà nên học cách "ngắt kết nối" với chúng, tận hưởng thế giới thực.

https://vnexpress.net