Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyên gia giải đáp thắc mắc: Có nên lo lắng khi con hay tự đập đầu của mình không?



Các chuyên gia lý giải rằng có rất nhiều lý do để trẻ nhỏ tự đập đầu của mình. Và tuy rằng hành động này về cơ bản là bình thường nhưng vẫn có một số trường hợp cha mẹ cần lưu tâm.


Cảnh tượng con tự đập đầu vào giường, đệm, thành cũi, thậm chí là sàn nhà sẽ không xa lạ với những nhà có trẻ nhỏ. Bởi khi cơn cảm xúc bùng lên, trẻ sẽ làm mọi cách để giải tỏa sự bực tức của mình, bao gồm cả việc đem đầu mình đi thử sức với mọi thứ.

Nói về hiện tượng này, Tiến sĩ Anita Sethi - một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Chính sách Gia đình và Trẻ em trực thuộc trường Đại học New York (Mỹ) cho biết có đến 20% trẻ nhỏ tự đập đầu của mình. Nó thường bắt đầu khi các bé được tròn 1 tuổi và đạt đỉnh điểm khi bé được 18 - 24 tháng tuổi. Đến 3 tuổi, hầu hết mọi đứa trẻ đều bỏ thói quen này. Và thông thường thì bé trai sẽ tự đập đầu nhiều hơn bé gái.

Vì sao con lại tự đập đầu mình?

 


Tự đập đầu là một hình thức tự xoa dịu những cảm xúc tiêu cực của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa).


Tiến sĩ Anita giải thích rằng tương tự như việc mút ngón tay hay lắc lư cơ thể, hành động đập đầu ở trẻ mới biết đi là một hình thức tự làm dịu, cho đến khi nào trẻ lớn lên và biết những cách làm khác để đối phó với cảm xúc tiêu cực, giải phóng những căng thẳng thì thói quen này sẽ được trẻ cho vào quên lãng.

Ngoài ra, tự đập đầu của mình cũng là một cách giảm đau của trẻ, chẳng hạn như mỗi khi mọc răng, nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy con mình thường tự đập đầu. Hoặc hành động "bạo lực" này cũng là cách mà con dùng để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Hay đơn giản đó chỉ là một thói quen mỗi khi con quấy khóc.

Học viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) còn có một cách giải thích nữa là hầu như trẻ nhỏ sẽ hay đập đầu vào giờ đi ngủ: "Trẻ thường sẽ đập đầu một cách nhịp nhàng trong khi đang chuẩn bị ngủ, khi đột nhiên thức dậy vào giữa đêm, hoặc ngay cả khi trẻ đang ngủ. Những chuyển động nhịp nhàng này dường như là cần thiết để xoa dịu hệ thần kinh trung ương trong quá trình chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang ngủ".

Bên cạnh đó, hành vi đập đầu cũng được coi là biểu hiện của sự bất lực trong việc không thể bộc lộ ý muốn và cảm xúc vì thiếu phương tiện truyền đạt là ngôn ngữ. "Trẻ không có cách nào để thể hiện những cảm xúc khó khăn như thất vọng hay tức giận, hoặc không có cách nào tốt hơn để nói ra những ý muốn của mình", bà Balajadia-Alcala, một nhà Tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Trẻ em Philippines nói. "Đó là lý do tại sao một số trẻ nhỏ thường tự đập đầu của mình khi một cơn giận dữ tuôn trào hoặc khi mẹ đã nói 'không' với điều gì trẻ muốn".

Vậy cha mẹ cần làm gì khi con tự đập đầu?

1. Trường hợp con muốn thể hiện cảm xúc

 


Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh. Thứ hai, là đảm bảo con của bạn được an toàn bằng cách nhẹ nhàng dẫn bé ra khỏi các bề mặt cứng như tường hoặc đồ nội thất cứng (Ảnh minh họa).


Bà Balajadia-Alcala khuyên điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh. Thứ hai, là đảm bảo con của bạn được an toàn bằng cách nhẹ nhàng dẫn bé ra khỏi các bề mặt cứng như tường hoặc đồ nội thất cứng. Sau đó, bước quan trọng thứ 3 là cha mẹ cung cấp từ chỉ trạng thái để dạy trẻ cách đọc vị cảm xúc của mình, chẳng hạn như: buồn, thất vọng, tức giận, chán...

Bà Balajadia-Alcala nói: "Cha mẹ hãy hướng dẫn con nói về cảm giác của mình, chẳng hạn như 'Con đang buồn vì mẹ không cho con ăn kẹo nữa, phải không?'. Điều này rất quan trọng, nó cho thấy bạn hiểu những gì con đang trải qua, đồng thời, nó cũng giúp con phát triển trí thông minh về cảm xúc".

 


Bước cuối cùng, cha mẹ cho con lựa chọn giải pháp để đối phó với cơn giận dữ. Ví dụ: "Mẹ cho con một quả táo nhé. Con có thể ăn táo trước khi ăn bữa tối". Hoặc cha mẹ cũng có thể đánh lạc hướng con bằng cách đề nghị đưa bé ra ngoài hay bắt đầu trò trốn tìm.

Bên cạnh đó, bà Balajadia-Alcala còn nhấn mạnh rằng cha mẹ cần kiên định với những quyết định của mình. Đừng vì thấy con khóc la inh ỏi sợ con khản giọng, hay sợ con đập đầu đau mà thỏa hiệp với những yêu cầu của trẻ. Vì trẻ đủ thông minh để nhận biết rằng hành động ăn vạ là có hiệu quả, và lần sau, nếu cha mẹ không cho thứ mình muốn thì mình cứ tiếp tục lăn ra ăn vạ.

Ngoài ra, nếu mọi nỗ lực đánh lạc hướng của cha mẹ thất bại, thì hãy nhớ rằng trẻ nhỏ sẽ không đủ sức đập đầu mình mạnh tới mức dẫn đến chấn thương nghiêm trọng. "Mặc dù trong lòng nóng như có lửa đốt vì thương con, thì bề ngoài, cha mẹ vẫn phải tỏ ra bình tĩnh và bình thản. Và hãy cố gắng giữ cho con được an toàn trong cơn "bốc hỏa", bà Balajadia-Alcala khuyên.

2. Khi con đập đầu vào giờ đi ngủ

 


Cha mẹ có thể bắt đầu giờ đi ngủ bằng việc cho con tắm trong một bồn nước ấm, rồi mát xa, và kết thúc là hát ru, hay đọc sách khi lên giường ngủ (Ảnh minh họa).


Bác sĩ Agnes Tirona-Remulla, trưởng phòng thí nghiệm về giấc ngủ tại Bệnh viện châu Á ở Muntinlupa (Philippines) đã khuyến nghị cha mẹ nên tập cho con một lịch trình cố định trước khi đi ngủ. Lịch trình này giúp trẻ dần ổn định trạng thái từ tràn đầy năng lượng sang chậm rãi nhẹ nhàng. Cha mẹ có thể bắt đầu giờ đi ngủ bằng việc cho con tắm trong một bồn nước ấm, rồi mát xa, và kết thúc là hát ru, hay đọc sách khi lên giường ngủ.


Khi nào thì cha mẹ nên lo lắng?

Tự đập đầu được coi là hành vi bình thường ở trẻ nhỏ từ 1 đến 2 tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, thói quen này sẽ mất dần khi con lớn lên vì lúc đó con đã biết tìm ra cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của mình. Do đó, hành vi này hiếm khi báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Học viện Y học về Giấc ngủ của Hoa Kỳ cảnh báo cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi con mình có biểu hiện sau: Con đập đầu liên tục ngay cả khi điều đó làm con đau. Đập đầu liên tục trong khi ngủ vào ban đêm có thể được coi là biểu hiện của Rối loạn Chuyển động Nhịp điệu (RMD). Nó xảy ra ở cả khi trẻ nằm sấp và nằm ngửa. Cụ thể: trẻ sẽ nâng đầu hoặc phần trên của cơ thể lên sau đó đập đầu xuống gối hoặc nệm nếu nằm sấp và sẽ lăn đầu qua lại nếu nằm ngửa.

Ngoài ra, nếu trẻ đập đầu liên tục trong ngày mà không rõ lý do, kèm theo đó là giao tiếp bằng mắt kém và thiếu ham muốn thể hiện tình cảm như ôm ấp, bế bồng... thì có thể là trẻ đang mắc chứng tự kỷ.


Nguồn Afamily