Cách bố mẹ Thụy Điển dạy con giúp trẻ thông minh, độc lập
Trẻ em Thụy Điển rất dũng cảm, có tính tự lập cao và biết quan tâm đến những người xung quanh. Tính cách này được hình thành từ rất sớm bởi phương pháp giáo dục đặc biệt của bố mẹ.
Thụy Điển được biết đến là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia này đã ban hành luật cấm ngược đãi trẻ em trong mọi trường hợp.
20 năm sau cải cách giáo dục (1994 - 2014), điều luật này vẫn được áp dụng với các phương pháp giáo dục con trẻ ở gia đình hay trường học.
Trong các phương pháp giáo dục của người Thụy Điển, sự tôn trọng là yếu tố tiên quyết. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ được bố mẹ giao cho quyền tự quyết định trong cuộc sống, không kìm chế, áp đặt và đặc biệt không bao giờ bị lạm dụng hay xúc phạm.
"Yêu cho roi cho vọt"
Người Thụy Điển nuôi dạy con trong điều kiện nghiêm khắc. Họ sẽ không nuông chiều con theo những yêu cầu vô lý bởi nuông chiều sẽ khiến con ngày càng ỷ lại vào người lớn.
Bên cạnh đó, dù yêu chiều đến mấy, bố mẹ Thụy Điển luôn đặt rõ các ranh giới với con. Trẻ nhỏ phải biết vị trí của mình trong gia đình, vâng lời và làm theo chỉ dẫn của cha mẹ. Tuy nghiêm khắc nhưng bố mẹ Thụy Điển vẫn luôn tôn trọng, không bao giờ đánh đòn hay quát mắng con.
Dạy trẻ trong cách ăn Trong việc ăn uống, trẻ nhỏ hoàn toàn được chủ động và không bị ép buộc phải ăn những món mà cha mẹ chuẩn bị. Trẻ chỉ ăn khi cảm thấy ngon miệng và có ý thức tự dọn dẹp ngay sau khi ăn.
Chính việc không ép buộc con ăn món không thích khiến bố mẹ Thụy Điển không bao giờ phải đổ thức ăn thừa và rèn được cho con tính tự lập.
Dạy trẻ cách ngủ
Trẻ em Thụy Điển ngủ trong phòng riêng ngay từ nhỏ và được tự quyết định việc có ngủ hay không. Việc của cha mẹ là tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh và ấm áp. Đây là cách để cha mẹ nước này dạy dỗ con tự lập ngay từ trong giấc ngủ.
Không nâng đỡ, không chiều chuộng
Ở Thụy Điển, sự gắn kết giữa con cái và cha mẹ rất quan trọng. Tuy nhiên, sự gắn kết này không đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ chiều chuộng con.
Cha mẹ Thụy Điển luôn quan niệm để trẻ tự vận động, tự đứng lên mỗi khi vấp ngã. Họ không muốn con cái bị gò bó hay phụ thuộc vào cha mẹ.
Cha mẹ Thụy Điển luôn tạo cho con môi trường lành mạnh nhất để tự phát triển tư duy. Đây chính là cách họ thể hiện tình yêu thương với con.
Để con tự làm từ việc nhỏ nhất
Cha mẹ Thụy Điển luôn để con tự làm mọi việc, từ những việc nhỏ nhất như đi giày, mặc quần áo khi ra ngoài. Dù con có nhờ hay phải chờ đợi lâu thế nào, cha mẹ cũng sẽ không giúp và để con tự hoàn thành xong phần việc của mình.
Không "trọng nam khinh nữ"
Trẻ em Thuỵ Điển được đối xử bình đẳng như nhau và được học về bình đẳng giới từ rất sớm thông qua bố mẹ hoặc nhà trường. Nhiều trường học tại Thuỵ Điển không phân chia nhà vệ sinh nam và nữ.
Các em luôn được khuyến khích phát huy hết khả năng của mình, không phải e ngại liệu công việc này có phù hợp cho bạn trai hay công việc kia chỉ dành cho bạn gái. Đồ chơi của các em không bị phân biệt nam hay nữ trong khi quần áo thường là màu sắc trung tính.
Chơi ngoài trời mỗi ngày
Ngay cả khi thời tiết xấu, trẻ em Thuỵ Điển vẫn mải mê vui đùa ngoài trời. Các trường học tại Thuỵ Điển gần như không bao giờ đóng cửa vì thời tiết xấu.
Trẻ được cha mẹ dạy về "cuộc sống tràn ngập khí trời", có nghĩa là luôn dành thời gian với thiên nhiên, biết cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và chấp nhận cả ngày thời tiết khủng khiếp nhất.
Những đứa trẻ luôn truyền tai nhau câu nói phổ biến "Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo bẩn". Câu nói này khuyến khích trẻ càng nghịch bẩn càng tốt. Việc dành nhiều thời gian ngoài trời sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt hơn.
Dạy trẻ biết quan tâm đến những người xung quanh
Từ nhỏ trẻ đã được dạy cách sống thân thiện với tất cả mọi người, thậm chí cả những người không cùng quốc tịch với mình. Cha mẹ nuôi dưỡng tình yêu cho trẻ bằng cách dạy chúng chia sẻ thức ăn với bạn bè, những người kém may mắn hơn. Đây cũng là lý do vì sao người Thụy Điển luôn nổi tiếng là tốt bụng và nhiệt tình.
Trẻ em đất nước này luôn gần gũi với môi trường nhờ các hoạt động dã ngoại cuối tuần với gia đình như đạp xe trong công viên, câu cá ở vùng quê hay cắm trại trong rừng. Những hoạt động này làm tăng tình đoàn kết giữa người với người. Tình yêu thiên nhiên cũng ăn sâu vào tiềm thức trẻ ngay từ thời thơ ấu.
|