Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

7 cách xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ


 

Trẻ ăn uống lành mạnh từ nhỏ sẽ lớn lên khỏe mạnh hơn. Bố mẹ có thể giúp con hình thành thói quen tốt nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý và sự khuyến khích đúng lúc.

 

CÂN NHẮC KỸ KHI LỰA CHỌN THỰC PHẨM: Ngày nay, bố mẹ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn thực phẩm cho con, từ các khu chợ truyền thống tới những siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay mua qua mạng. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn nên chọn các điểm bán an toàn, đảm bảo vệ sinh hay các nhãn hàng uy tín để mua thực phẩm cho con, nhất là các thực phẩm tươi sống hay sản phẩm bé dùng hàng ngày như sữa. 

 

 

ƯỚC LƯỢNG KHẨU PHẦN PHÙ HỢP: Mỗi độ tuổi hay mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có lượng thực phẩm phù hợp khác nhau. Bố mẹ không nên ép con ăn thêm khi đã no, nhưng có thể khuyến khích trẻ ăn thêm nếu trẻ tỏ ra hứng thú. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể ăn 3 bữa chính, kèm thêm các khẩu phần sữa, hoa quả nhẹ trong ngày. 

 

TÌM HIỂU NHU CẦU, KHẨU VỊ CỦA TRẺ: Mỗi bé sẽ có một khẩu vị khác nhau. Bố mẹ nên chú ý tới mong muốn và sở thích của con để chế biến món ăn giàu dinh dưỡng nhưng phù hợp. Ví dụ, bố mẹ có thể gợi ý những món ăn lành mạnh để con lựa chọn, chứ không nên ép buộc trẻ phải ăn vì “món đó tốt lắm”.

 

Tiến sĩ Lisa Fries, Chuyên gia về hành vi ăn uống cho trẻ tại Viện Khoa học Sức khỏe, Thụy Sỹ, cho biết việc bị ép ăn có thể khiến trẻ bị ám ảnh và né tránh những thực phẩm đó khi lớn lên, dù đó là những thực phẩm tốt cho sức khỏe, vô tình tạo ra thói quen ăn uống không lành mạnh. 

 

ÂN CẦN KHI CHO TRẺ ĂN: Các chuyên gia cho rằng việc tạo áp lực cho trẻ trong bữa ăn hại nhiều hơn lợi. Bố mẹ nên tạo cho trẻ không khí thoải mái, vui vẻ khi ăn uống cùng cả nhà, cho trẻ tự quyết định lượng thức ăn có thể tiêu thụ. 

 

 

 

Tiến sĩ Lisa Fries, Chuyên gia về hành vi ăn uống cho trẻ tại Viện Khoa học Sức khỏe, Thụy Sỹ, nhận định:“Trẻ cần biết từ chối khi đã thấy no, điều này cho thấy trẻ nhận biết được các tín hiệu từ dạ dày và tránh được tình trạng đầy bụng. Thỉnh thoảng, trẻ sẽ ăn nhiều hơn mức hàng ngày và việc này hoàn toàn bình thường, trẻ sẽ tự giảm lượng thức ăn ở bữa sau để hợp với nhu cầu trẻ”. 

 

KHUYẾN KHÍCH TRẺ THỬ MÓN MỚI: Với nhiều bạn nhỏ, việc thử một món ăn mới là điều khó khăn. Do đó, bố mẹ cần kiên nhẫn khi giới thiệu một thực phẩm mới cho bé. Thay vì cố ép bé ăn bằng được hay lừa bé ăn, bạn nên khuyến khích, động viên và tạo cho bé hứng thú như tạo hình dễ thương, chế biến cùng món bé thích. 

 

 

Đặc biệt, việc dùng các món ăn trẻ thích như kem, bánh kẹo để làm phần thưởng khi thuyết phục trẻ ăn rau củ sẽ khiến trẻ cho rằng rau củ là thứ không ngon lành gì, dễ dẫn tới thói quen xấu sau này. Tiến sĩ Lisa Fries cho biết: “Mọi thực phẩm đều có những giá trị riêng. Dùng thức ăn làm phần thưởng sẽ khiến con lầm tưởng dinh dưỡng và giá trị của các món ăn”. 


CUNG CẤP ĐỦ DƯỠNG CHẤT CẦN THIẾT: Dạ dày của trẻ từ 2 tới 6 tuổi nhỏ hơn dạ dày của người lớn rất nhiều, và khả năng tiêu hóa cũng kém hơn, nhất là với các chất béo, đường và muối. Do đó, bố mẹ nên cung cấp thực phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng, cũng như bổ sung đủ nước, sữa cho bé và hạn chế các loại bánh kẹo, đồ ngọt. Đồng thời, thực phẩm hàng ngày của bé cũng nên được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, thay vì sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn. 

 

 

 

NEWS.ZING.VN