Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ: Xử lý sớm để tránh biến chứng nguy hiểm
Trẻ cứ bú là trớ, nôn khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Biết được nguyên nhân và cách điều chỉnh sẽ giúp trẻ tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm...
Vì sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị trào ngược dạ dày-thực quản? Khi trẻ bú, sữa từ miệng xuống thực quản đi qua tâm vị rồi vào dạ dày. Tại tâm vị có 1 cơ vòng thực quản có tác dụng như van 1 chiều ngăn sữa, thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược xảy ra khi thức ăn trong dạ dày quay ngược lại lên miệng và khiến trẻ nôn trớ ra ngoài. Trào ngược ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hiếm khi nghiêm trọng và sẽ tự hết dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, nếu trẻ trên 18 tháng tuổi mà vẫn bị là bất thường. Nguyên nhân và triệu chứng Có nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày-thực quản ở trẻ, bao gồm: Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp, do đó khi trẻ bú tư thế không đúng, sữa và không khí trong dạ dày cùng dâng lên, qua tâm vị trào ngược qua thực quản ra ngoài. Trẻ nhỏ dạ dày nằm ngang, góc thực quản và dạ dày là góc tù nên dễ trào ngược hơn. Trẻ nằm hầu hết thời gian, có chế độ ăn hầu như hoàn toàn lỏng, ăn quá nhiều và quá nhanh, khi trẻ bú nuốt nhiều hơi, hoặc trẻ bị hẹp môn vị... Nhiều trẻ không dung nạp thức ăn (hay gặp những trường hợp không dung nạp protein trong sữa bò, trẻ mắc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan... Triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Thường xuyên nôn trớ, ho dai dẳng, khó tăng cân, biếng ăn, hay sặc đồ ăn, khàn tiếng kéo dài, thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản..., trẻ quấy khóc bất thường sau khi ăn.
Bế đứng trẻ trong khoảng 20-30 phút sau ăn tránh trào ngược. Có biến chứng không? Trào ngược dạ dày thực quản nếu để lâu sẽ gây nhiều biến chứng nặng như: Viêm thực quản với nhiều mức độ khác nhau, lâu ngày có thể dẫn tới sẹo hay hẹp thực quản. Barret thực quản, thậm chí có thể ung thư thực quản. Đối với hệ hô hấp, trào ngược kéo dài có thể gây ra viêm mũi họng, ho khò khè kéo dài và khó điều trị; khó thở do viêm thanh quản cấp hoặc hen phế quản. Dịch acid khi trào lên miệng gây mòn răng, hỏng men răng. Viêm tai giữa tái phát nhiều lần, viêm xoang. Trẻ sụt cân, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng.
Thông thường qua hỏi bệnh sử của trẻ qua lời cha mẹ nói là có thể chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt nếu vấn đề xảy ra thường xuyên và gây khó chịu. Biểu đồ tăng trưởng và lịch sử chế độ ăn uống cũng hữu ích. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng đều đặn và đạt tiêu chuẩn thì những khám xét sâu hơn thường sẽ không cần thiết.
Điều trị và phòng tránh Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường sẽ tự hết mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên để giảm bớt trào ngược chúng ta nên: Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa số lượng ít hơn bình thường. Tạm ngừng giữa bữa ăn để trẻ ợ hơi. Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng từ 20 đến 30 phút sau khi ăn. Tránh cho trẻ ngậm vú giả, tránh để trẻ bú hơi. Loại bỏ các sản phẩm từ sữa, thịt bò hoặc trứng khỏi chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú hoặc của trẻ để kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng gì không. Nếu trẻ đang ăn sữa công thức thì thử đổi loại sữa. Thay đổi kích thước núm vú của bình sữa cho phù hợp với trẻ. Nguồn Suckhoedoisong
|