Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sốt khi mang thai, những điều cần biết?


 

Với phụ nữ mang thai, vấn đề duy trì sức khỏe ổn định để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi là hết sức quan trọng.

 

Bác sĩ Trần Ngọc Đính, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Trong quá trình thăm khám, không ít bà mẹ, đặc biệt là những người mới mang thai lần đầu, tìm đến gặp bác sĩ với tâm trạng lo lắng. Một số người nghĩ mình có thể mắc những bệnh nguy hiểm, số khác lại lo "không biết liệu thai nhi có an toàn không?". Đây là những lo lắng hoàn toàn chính đáng.

Điều gì có thể xảy ra khi thai phụ bị sốt?

Về lý thuyết, một người được định nghĩa là bị sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 38 độ C, tình trạng này nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngày, ngay cả khi sinh hoạt hoặc nghỉ ngơi trong môi trường bình thường (không nắng nóng). Nguyên nhân khiến một người bị sốt có thể có thể do nhiễm trùng, do vi khuẩn, do virus, hoặc do ký sinh trùng. Các loại vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng có thể xâm nhập qua đường niệu, đường hô hấp, tiêu hóa hoặc đường máu.


Theo bác sĩ Trần Ngọc Đính, sốt là phản ứng của cơ thể với một quá trình bệnh lý. Khi bị sốt, thường cơ thể sẽ bài tiết chất prostaglandin tự nhiên. Đối với thai phụ, chất này gây co bóp tử cung, là nguy cơ có thể khiến sảy thai hoặc tạo cơn chuyển dạ tự nhiên. Ngoài sảy thai, đẻ non, sự lây nhiễm bào thai cũng có thể khiến thai bị nhiễm khuẩn huyết, thai có thể tử vong trong vòng 24 giờ hay bị chảy máu não, để lại di chứng về sau.

Nên gặp bác sĩ nếu thấy sốt cao dai dẳng từ 2 - 3 ngày

Những bệnh lý sốt thông thường lúc đầu như viêm họng, viêm đường hô hấp trên có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các sản phụ không quá chủ quan và nên đến gặp bác sĩ nếu thấy sốt cao dai dẳng từ 2 - 3 ngày. Ngoài ra, nếu sốt mà có cơn gò tử cung bất thường thì cũng nên đến khám ngay để bác sĩ tìm nguyên nhân gây sốt.

 

 

Các bà mẹ không quá lo lắng hay quá chủ quan coi thường các triệu chứng sốt cao khi có thai. (Ảnh minh hoạ)

Thông thường khi nhập viện, thai phụ bị sốt sẽ được khai thác kỹ tiền căn thai nghén, những nơi vừa đi đến; có tiếp xúc với những người bị nhiễm xung quanh hay không, hoặc những dấu hiệu kèm theo; những loại thức ăn đã dùng... Bệnh nhân cũng sẽ được đo nhiệt độ nhiều lần để khẳng định sốt. Khám toàn diện là bắt buộc để tìm những dấu hiệu gợi ý. Xét nghiệm hệ thống như công thức máu, CRP, tổng phân tích nước tiểu, có giá trị chẩn đoán và theo dõi, những xét nghiệm vi trùng học hay huyết thanh chẩn đoán sẽ được làm tùy theo sự gợi ý của lâm sàng.

Sử dụng thuốc

Nhiều bà mẹ tỏ ra lo lắng khi dùng thuốc bởi sợ ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là ở những tuần thai đầu tiên. Tuy nhiên, việc điều trị triệu chứng sốt bằng Paracetamol với liều thông thường không có tác dụng phụ nào hay không gây dị dạng thai, ngoại trừ những bệnh nhân có tiền căn dị ứng Paracetamol. Lưu ý, Aspirin không được khuyên dùng vì lý do thuốc vào hệ tuần hoàn sẽ gây đóng lỗ động mạch sớm và gây nguy cơ chảy máu cho mẹ và thai.

Ngoài ra, bà mẹ rất cần được bồi hoàn lượng nước mất bằng đường uống hay truyền tĩnh mạch. Tùy theo nguyên nhân gây nhiễm, nếu đường vào là đường tiết niệu, thuốc được chọn thường là Caphalosporin thế hệ 3. Không dùng Quinolon (Ofloxacin). Aminosid có thể được phối hợp với Augmentin nếu nhiễm khuẩn nặng, thời gian dùng ngắn vì nếu dùng kéo dài sẽ có nguy cơ độc cho thận và tai ở thai nhi.

 

Nhìn chung, việc điều trị nguyên nhân bằng kháng sinh phù hợp trước khi có kết quả huyết thanh hay vi trùng học có thể dựa vào kinh nghiệm lâm sàng. Ngoài kháng sinh có thể điều trị phối hợp để cắt cơn gò tử cung nếu có dọa sinh non mà không viêm màng đệm kèm theo, tùy trường hợp có thể cho corticoid phối hợp nhằm kích thích sự trưởng thành phổi cho thai nhi sớm. Việc theo dõi sát tình trạng sức khỏe thai bằng siêu âm giúp cho việc đình chỉ thai kịp thời khi trẻ có nguy cơ hay việc điều trị thất bại.


Do việc chẩn đoán nguyên nhân gây sốt khó khăn vì đa số bệnh cảnh thường giả cúm (khoảng 30% trường hợp) như viêm mũi họng, đau khớp, đau cơ... Chính vì thế, các bà mẹ cần dự phòng bằng cách giữ ấm không đến nơi đông người có khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Không ăn các loại thức ăn sống, xem hạn sử dụng của thức ăn. Không quên khám thai đúng lịch, tầm soát nhiễm trùng niệu không triệu chứng, xét nghiệm thường quy tìm những nguyên nhân gây nhiễm thường gặp.

Cuối cùng, các bà mẹ không quá lo lắng hay quá chủ quan coi thường các triệu chứng sốt cao khi có thai. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cách tốt nhất vẫn là tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn để có cách chữa trị an toàn, phù hợp.


Nguồn VTV