Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bà bầu có dễ mắc COVID-19 hơn người khác? Mẹ bỉm sữa cho con bú có bị lây bệnh không? Đây là các câu trả lời đúng



Vô vàn tin đồn nhảm về dịch bệnh COVID-19 khiến cho bà bầu và mẹ bỉm sữa vốn vô cùng nhạy cảm cả về thể chất lẫn tinh thần lại càng thêm lo lắng.


Xin cứ an tâm. Đây là các bằng chứng khoa học giúp chị em hiểu biết hơn về dịch bệnh này để bảo vệ bản thân và em bé tốt nhất.

Bà bầu có dễ mắc COVID-19 hơn người khác không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Cho đến hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy mẹ bầu nhạy cảm với SARS-CoV-2 hơn so với người khác.

Nghiên cứu cho thấy với những tác nhân như cúm hoặc SARS-CoV, một số phụ nữ có thai dường như biểu hiện bệnh nặng hơn. Mặc dù vậy, các bà bầu hay mẹ bỉm sữa không nên quá lo lắng vì từ triệu chứng bệnh cho đến các phương pháp dự phòng, điều trị cho bà bầu nhiễm SARS-CoV-2 đều không có gì khác biệt với người khác cả. Nghĩa là nếu mắc bệnh thì bà bầu vẫn được điều trị bình thường như ngành y tế đã và đang thực hiện.

 


Nếu mắc bệnh thì bà bầu vẫn được điều trị bình thường như ngành y tế đã và đang thực hiện (Ảnh minh họa).

COVID-19 có lây từ mẹ sang con không?

Với tình thương con cộng với tâm lý nhạy cảm vì sự biến đổi hormone, bà bầu và mẹ bỉm sữa còn có thể bị trầm cảm nếu con mình dương tính với SARS-CoV-2, và tự đổ lỗi cho bản thân rằng chính mình là người truyền mầm bệnh cho con.

Ở đây cần phân biệt hai đường truyền bệnh khác nhau: đường truyền dọc và đường truyền ngang. Hiểu nôm na, lây truyền ngang xảy ra khi một người mắc bệnh và lây cho những người xung quanh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (lây truyền từ người sang người). Lây truyền dọc là truyền trực tiếp virus gây bệnh từ mẹ sang con (tương tự virus HIV, virus viêm gan B) mà không qua môi trường bên ngoài.

• Về lây truyền dọc, cho đến nay chỉ có hai ca trẻ sơ sinh mắc COVID-19 đã được báo cáo: ca thứ nhất được chẩn đoán nhiễm COVID-19 khi bé được 17 ngày tuổi, sau khi tiếp xúc gần với mẹ và nữ hộ sinh, cả hai người đều dương tính với virus trước đó.

 


Ảnh: Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM

Ca thứ hai chẩn đoán nhiễm bệnh khi bé mới sinh được 36 tiếng, không rõ ràng cả về nguồn lây lẫn thời điểm nhiễm bệnh.

Sức khoẻ cả hai bé hiện tại đều đã ổn định.

Một nghiên cứu quan sát trên chín thai phụ, chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19 được đăng tải trên The Lancet (tạp chí lâu đời, uy tín bậc nhất trong y khoa, được các chuyên gia kiểm duyệt chặt chẽ) chỉ ra rằng không phát hiện virus trong bất kỳ mẫu dịch ối, máu cuống rốn, mẫu phết họng thai nhi, mẫu bánh rau (nhau) hay mẫu sữa mẹ nào đã được thu thập. Từ đó kết luận không có bằng chứng lây truyền từ mẹ sang con trong tử cung ở những phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19.

• Về lây truyền ngang, các nghiên cứu từ đầu mùa dịch đến bây giờ đều cho biết virus SARS-CoV-2 có lây lan từ người sang người, chủ yếu qua ba con đường: tiếp xúc gần (dưới 2 mét); qua các giọt bắn ra khi người có bệnh ho/hắt hơi; qua các bề mặt trung gian (mặt bàn, tay nắm cửa,...).

 


Ảnh: Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM

Do vậy, mẹ bầu cứ an tâm thực hiện các khuyến cáo, rửa tay sạch với xà phòng hoặc chế phẩm chứa cồn; thường xuyên dùng nước sát khuẩn lau sạch các vật dụng hay chạm vào và đeo khẩu trang khi có tiếp xúc gần.

Mẹ bầu đang mắc/nghi ngờ mắc COVID-19 có nguy cơ sẩy thai, thai lưu cao hơn không?

Hiện tại không có bất kỳ bằng chứng nào cho điều này.

Với các loại virus hô hấp tương tự (SARS, MERS), cũng không hề có bằng chứng nào nói rằng nhiễm virus hô hấp thì có thể sẩy thai hay sinh non.


Có thể cho con bú khi mẹ đang mắc/nghi ngờ mắc COVID-19 không?

Các nghiên cứu cho thấy các mẫu sữa từ người mẹ nhiễm COVID-19 khi kiểm tra đều cho kết quả âm tính với virus. Tiếp theo, những lợi ích từ việc cho trẻ bú (như giúp con phát triển toàn diện, gắn kết tình mẫu tử) hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ nguy cơ lây lan nào có thể xảy ra. Do vậy, các mẹ hãy cho trẻ bú một cách an toàn đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các đường truyền bệnh tiềm tàng.

Làm cách nào để hạn chế đến mức thấp nhất ba đường truyền bệnh tiềm tàng?

Hiệp hội Sản-Phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) và Hội Sản-Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã đưa ra hướng dẫn vệ sinh khi cho con bú. Xin điểm qua vài biện pháp sau:

• Rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào bé, máy hút sữa hoặc bình sữa.

• Tránh ho hoặc hắt hơi khi đang cho bé bú.

• Cân nhắc đeo khẩu trang (nếu có) khi đang cho bú.

• Đảm bảo tiệt khuẩn máy hút sữa, bình sữa sau mỗi lần sử dụng bằng các phương pháp tiệt khuẩn được khuyến nghị. Nếu được nên ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm chỉ dùng một lần.

• Cân nhắc việc tìm một phụ nữ khoẻ mạnh cho bé bú nhờ một thời gian.

Tốt nhất hãy tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, bồi dưỡng tinh thần lạc quan và cơ thể khỏe mạnh, biết nhận ra và không chia sẻ tin đồn nhảm kẻo tiền mất tật mang. Hy vọng bài viết này giúp các mẹ thêm hành trang có ích trên con đường dài của mình.

Nguồn Báo Dân Sinh