Bảy câu nói giúp trẻ xây dựng tính kiên cường
Trường hợp con gặp vấn đề khó giải quyết, bạn hãy hỏi "Bố/mẹ có thể giúp gì không?" thay vì trực tiếp làm hộ trẻ.
Christina Clemer, giáo viên dạy trẻ theo phương pháp Montessori, bà mẹ hai con sống tại bang Texas, Mỹ, chia sẻ những câu nói khuyến khích trẻ xây dựng tính kiên cường, khả năng tự lập. 1. "Điều đó thật khó nhưng con đã làm được" Trẻ em luôn thích được người lớn công nhận nỗ lực vượt qua khó khăn. Mỗi câu khen ngợi "Điều đó thật khó nhưng con đã làm được" giúp củng cố niềm tin, xây dựng động lực giúp trẻ vượt qua trở ngại và hoàn thành thử thách. Cho dù là thành tựu nhỏ như bơi hết một vòng bể, lần đầu tiên tự mặc quần áo hay đọc hết một cuốn sách cũng xứng đáng nhận lời động viên. Phụ huynh hãy dành tặng con những lời khen ngợi tập trung vào việc các em đã vượt qua khó khăn thay vì chỉ khen chung chung như "Con giỏi lắm/ Làm tốt lắm". 2. "Bố/mẹ muốn con thử nhưng bố/mẹ luôn ở đây khi con gặp khó khăn" Thái độ của phụ huynh đối với những vấn đề của trẻ sẽ định hình cách trẻ nhìn nhận bản thân và vấn đề. Chẳng hạn, nếu bạn ngay lập tức giúp đỡ con giải quyết vấn đề, chúng sẽ ỷ lại vào bố mẹ, cho rằng bản thân không có khả năng. Nếu hành động này lặp đi lặp lại, trẻ sẽ dần trở nên tự ti và không dám đương đầu với thử thách. Ngược lại, nếu cha mẹ hoàn toàn thờ ơ công việc của trẻ, chúng sẽ từ bỏ khi gặp khó khăn và không bao giờ muốn thử lại. Phản ứng tốt nhất trong thời điểm này là nói rằng bạn muốn con tự giải quyết vấn đề nhưng không quên nhấn mạnh luôn ủng hộ và sẵn lòng giúp đỡ. Với sự đảm bảo này, các em có thể tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ và cố gắng hết khả năng của mình. Nếu con bạn cần giúp đỡ, đừng làm thay mà hãy đưa ra lời khuyên để trẻ tự thực hiện. Ví dụ, khi trẻ không biết viết bài văn miêu tả bạn thân, bạn nên gợi ý những đặc điểm nổi bật của người bạn này thay vì viết hộ trẻ. 3. "Con có thể nhờ ai giúp đỡ?" Câu hỏi mở "Con có thể nhờ ai giúp đỡ?" giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Mỗi lần tự tìm ra giải pháp cho thử thách dường như không thể vượt qua, trẻ sẽ tự tin hơn vào khả năng của bản thân. Chẳng hạn, nếu con bạn làm mất gấu bông, hãy hỏi chúng "Lần cuối con thấy gấu bông là lúc nào?" thay vì lục tung căn nhà để tìm cho bé.
4. "Bố/ mẹ cần sự giúp đỡ của con" Cho dù còn nhỏ, hãy để con giúp bạn trong những công việc thường nhật như gấp quần áo, nấu ăn hoặc dọn dẹp nhà cửa. Nói "Bố/mẹ cần sự giúp đỡ của con" gửi đi thông điệp rằng trẻ có khả năng riêng, đóng góp những giá trị hữu ích cho gia đình. Bản thân trẻ cũng luôn thích giúp đỡ bố mẹ và được công nhận khả năng. Câu nói này nếu được lặp đi lặp lại sẽ bồi đắp sự tự tin trong lòng trẻ. Yêu cầu sự giúp đỡ cũng thể hiện rằng khi gặp khó khăn, trẻ có thể tìm kiếm sự trợ giúp mà không nhất thiết phải xoay xở một mình. 5. "Bố/ mẹ có thể giúp gì không?" Nếu bạn thấy con đang vật lộn rất khổ sở, hãy đề nghị được giúp đỡ. Điều này mang lại cho trẻ cảm giác khác biệt so với khi người lớn thay chúng giải quyết vấn đề. Đề nghị giúp đỡ, đặc biệt cho phép trẻ quyết định cách bố mẹ có thể giúp là quá trình hợp tác giữa hai bên. Bố mẹ vừa có thể hỗ trợ con vừa tạo điều kiện để trẻ phát huy tính tự lập. 6. "Điều đó thật khó nhưng bố/mẹ đã làm được" Đối với trẻ, dường như mọi điều xảy ra với người lớn đều dễ dàng. Suy nghĩ này có thể xuất hiện khi bố mẹ ít khi chia sẻ khó khăn, công việc với con vì cho rằng "đó là chuyện của người lớn" hoặc không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt con. Việc phụ huynh tỏ ra kiên cường có thể là tấm gương sáng để trẻ học theo nhưng việc chia sẻ khó khăn cũng không phải ý tưởng tồi. Nó sẽ giúp trẻ hiểu thêm rằng bố mẹ mạnh mẽ không phải do vốn thế mà vì đã trải qua nhiều khó khăn. Hãy cố gắng chia sẻ một số khó khăn mà bạn từng trải qua (không nên lựa chọn câu chuyện quá u tối) với trẻ bao gồm bạn đã làm gì để vượt qua và thành quả sau đó. 7. "Con có cần nghỉ ngơi không?" Nếu quan sát con, bạn sẽ thấy đôi khi chúng dồn quá nhiều sức lực, vượt quá giới hạn của bản thân để giải quyết vấn đề. Nỗ lực không ngừng nghỉ này rất đáng được ghi nhận nhưng cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của trẻ. Hãy gợi ý con nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy chúng đang bỏ bê sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể rủ con đi bộ, tập thể dục hoặc ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Điều này nhắc trẻ chú ý đến sức khỏe cá nhân, không quên chăm sóc bản thân dù mải đối phó với khó khăn. Nếu thói quen này được duy trì đến khi trưởng thành, các em sẽ có khả năng tự lập tốt hơn bạn bè đồng trang lứa. Nguồn VNE |