Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách tăng đề kháng, phòng bệnh cho cả nhà mùa dịch


 

Không gian sống sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chú trọng dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể được tăng cường sức đề kháng... giúp cả nhà phòng bệnh.

Chỉ đeo khẩu trang chưa đủ

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, mọi người đổ xô đi mua khẩu trang các loại, thậm chí với những mức giá cao vô lý. Thực tế, khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp giúp tránh giọt bắn từ ho hay hắt hơi của người xung quanh, chưa đủ để phòng ngừa virus 100%.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Chiêu Oanh (Trưởng khoa Hô hấp - bệnh viện Nhân Dân 115, TP HCM) khuyên, ngoài việc đeo khẩu trang đúng cách, mọi người cần chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân như súc miệng, rửa tay.

Có thể súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hay nước muối sinh lý. Khi súc miệng phải súc hết quanh miệng trong tối thiểu 30 giây, nên súc miệng 2-3 lần mỗi ngày để làm sạch khoang miệng, hạn chế các vi khuẩn và virus trước khi chúng có thể tấn công vào bên trong cơ thể và đi xuống phổi.

Việc rửa tay cần thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi hắt hơi, ho, xì mũi; sau khi chạm vào thú nuôi, động vật; và sau khi đi ra ngoài rồi về nhà. Khi rửa tay, dùng xà bông và nước chà xát toàn bộ bàn tay thật kỹ, ít nhất 20 giây, sau đó xả dưới vòi nước chảy mạnh để loại bỏ sạch dịch tiết bám trên tay. Nếu không có xà bông và nước, có thể dùng dung dịch rửa tay nhanh hoặc dung dịch cồn từ 70% trở lên.

 

Khi rửa tay, dùng xà bông và nước chà xát toàn bộ bàn tay thật kỹ, ít nhất 20 giây. Ảnh: hamiltonhealthsciences.ca

Ngoài ra, cần tắm rửa, thay giặt quần áo thường xuyên, vệ sinh nơi ở, và ăn thức ăn đã được nấu chín.

Tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất

Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể sẽ có đủ sức để chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài. Khi hệ miễn dịch kém, cơ thể dễ bị vi khuẩn, virus và độc tố tấn công, dẫn đến một số bệnh, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Hiền Thu (bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc, Bình Dương) với kinh nghiệm 17 năm trong công tác dinh dưỡng lưu ý mọi người nên chú trọng dinh dưỡng trong thời điểm hiện tại, để đảm bảo đủ dưỡng chất cho hệ miễn dịch, giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Ăn thức ăn đa dạng, đủ các nhóm thực phẩm, đủ bữa là nền tảng để đảm bảo cơ thể đầy đủ chất. Ngoài ra, mọi người có thể bổ sung vitamin và khoáng chất bên ngoài để bù cho lượng vitamin thiếu hụt trong quá trình ăn uống.

Khi thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ giảm sản xuất kháng thể; giảm tiết các chất nhầy có tính bảo vệ ở da, niêm mạc; giảm tiết lysozymes (một loại enzyme kháng khuẩn); giảm tiết dịch dạ dày đẫn đến tiêu hóa kém; và hệ vi khuẩn đường ruột bị rối loạn nên ảnh hưởng hấp thu dưỡng chất... Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp tăng sức đề kháng, để phòng chống bệnh tật.

Các tế bào của hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta được cấu thành từ các chất dinh dưỡng như protein (chất đạm), các vitamin A, C, D, các vitamin nhóm B và các khoáng chất như sắt, kẽm... Tất cả các thành phần này đều giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Vitamin A giúp biệt hóa tế bào biểu mô, nếu thiếu vitamin A dễ gây nhiễm khuẩn, trẻ em chậm lớn; Vitamin C và E là các chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương; Sắt giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm, Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, làm lành vết thương và tăng vị giác...


Bên cạnh vitamin C thì các vitamin A, E, D, Sắt (Fe), Kẽm (Zinc) trong thực phẩm cũng là những thành phần giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.

Tuy nhiên, mọi người thường chỉ tập trung bổ sung vitamin C để tăng cường miễn dịch mà bỏ quên các vi chất khác. Bác sĩ Hiền Thu lưu ý, việc sử dụng vitamin C dạng sủi 1.000 mg liều cao chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn. Nếu muốn bổ sung vitamin C lâu dài, nên chọn loại multivitamin hay viên uống vitamin tổng hợp và khoáng chất với hàm lượng phù hợp cho mọi người: vitamin C là 75 mg/ngày, kẽm (zinc) là 20 mg/ngày, vitamin A: 5000 I.U/ngày, sắt Fumarate 50 mg/ngày...

Nguồn VNE