Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyên gia dinh dưỡng giải thích về "truyền thuyết" tráng ruột bằng nước cà rốt giúp trẻ ăn dặm tốt



Hẳn các mẹ khi đang tìm hiểu thông tin về việc cho con ăn dặm đã từng một vài lần nghe nhắc đến "truyền thuyết" tráng ruột cho bé bằng nước ép cà rốt với tác dụng giúp bé ăn tốt, không mắc bệnh đường ruột.

 

Sai lầm 1: Tráng ruột bằng nước cà rốt trước khi ăn dặm sẽ giúp bé ăn tốt, ít gặp vấn đề về tiêu hóa
Nhiều mẹ chia sẻ công thức truyền miệng là cho bé dùng nước cà rốt 1-2 tuần trước ăn dặm là có thể giúp bé ăn ngoan, không gặp các vấn đề đường tiêu hóa, không đi phân sống. Có bạn cho bé "tráng ruột" theo cách này từ rất sớm (từ 3-5 tháng tuổi).

Tuy nhiên, điều này là không đúng và nước cà rốt không khuyên dùng cho bé trước 5 tháng tuổi.

Lời khuyên của Học viện Nhi Khoa của Mỹ về dùng cà rốt và nước ép cà rốt để phòng ngừa dư nitrate ảnh hưởng đến sức khỏe các bé như sau:

- Các bé dưới 3 tháng tuổi tuyệt đối không dùng cà rốt hoặc nước ép cà rốt.


Huyền thoại về dùng nước ép cà rốt để tráng ruột trước ăn dặm giúp bé ăn ngon là không có bằng chứng khoa học.

- Các bé từ 4 -6 tháng không khuyến khích dùng cà rốt trong ăn dặm, đặc biệt tuyệt đối không cho bé dùng nước ép cà rốt (vì nước ép có hàm lượng nitrate tập trung rất cao).

- Các bé từ 6 tháng tuổi: Có thể dùng cà rốt (dạng xay nhuyễn trong thực hành ăn dặm), nhưng vẫn không khuyến khích dùng nước ép cà rốt.

- Các bé từ 7,5 tháng có thể dùng cà rốt hay nước ép cà rốt (nhưng về cơ bản trẻ dưới 1 tuổi nên hạn chế dùng nước ép).

Do đó, huyền thoại về dùng nước ép cà rốt để tráng ruột trước ăn dặm giúp bé ăn ngon là không có bằng chứng khoa học. Ngược lại, nếu cho bé dùng nước ép cà rốt quá sớm (từ 4-6 tháng tuổi) có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé (chẳng hạn như bệnh Methemoglobinemia).


Sai lầm 2: Nấu cháo trộn chung nhiều thành phần với lượng lớn và để dùng cả ngày hoặc trữ đông dùng nhiều ngày
Nhiều cha mẹ không có thời gian thường nấu cháo 1 lần gồm nhiều nguyên liệu như thịt, cá, rau củ và cho bé dùng nhiều lần.

Việc nấu cháo một lần và bảo quản lạnh hoặc cấp đông dùng nhiều ngày cho bé không sai nhưng không nên cấp đông hay trữ lạnh quá 8 tiếng các loại cháo có hỗn hợp trộn chung gồm thịt, cá, rau củ. Lí do bởi quá nhiều thành phần nguyên liệu sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị, gia tăng xuất hiện gốc nitrat, tính acid-bazo và sự gia tăng vi khuẩn trong cháo. Tất cả các hệ quả này đều làm cho thức ăn không được bảo toàn chất dinh dưỡng và có nguy cơ gây chán ăn và rối loạn tiêu hóa cho bé.

 


Không nên nấu 1 nồi cháo đầy đủ rồi cho trẻ ăn cả ngày (Ảnh minh họa).

Lời khuyên của Hiệp Hội Dinh dưỡng lâm sàng Anh cho cha mẹ:

- Cha mẹ có thể nấu cháo trắng và các nguyên liệu khác tách riêng thành 4 nhóm và lưu trữ riêng: chất đạm từ động vật có vú (thịt heo/bò/cừu), chất đạm từ gia cầm (trứng/thịt gà/chim), chất đạm từ cá/hải sản và rau củ. Khi nào ăn thì hâm nóng lại nhóm đó và trộn chung vào cháo.

- Nếu cha mẹ không có thời gian thì có thể lưu trữ và kết hợp theo công thức sau:

Cháo/cơm + rau củ: Có thể kết hợp lưu trữ (trừ rau cho lá dạng rỗng ruột như rau muống). Không áp dụng cách bảo quản kết hợp này cho các bé đang có hiện tượng rối loạn tiêu hóa, điều trị kháng sinh, hoặc đang bị táo bón.


Cháo/cơm + chất đạm từ động vật có vú (thịt heo/bò/cừu): Có thể kết hợp lưu trữ lạnh và dùng tốt nhất trong 24 tiếng. Nếu cấp đông thì khuyên dùng trong 10 ngày trở lại.

Cháo/cơm + chất đạm liên quan đến gia cầm (thịt gà/vịt/thịt chim): Chỉ khuyên kết hợp bảo quản lạnh dùng trong 14 tiếng trở lại là đảm bảo vệ sinh an toàn và dinh dưỡng tối ưu.

Cháo/cơm + trứng: Không nên kết hợp để dữ trữ.

Cháo/cơm + hải sản (trừ tôm, cá sông): Không nên kết hợp để dự trữ.


Cháo/cơm + tôm/cá sông: Có thể kết hợp dự trữ, nhưng tốt nhất là cấp đông và dùng trong 5 ngày trở lại. Khi rã đông thì hâm nóng dùng trong 2 tiếng trở lại.

Sai lầm 3: Lầm tưởng về một số loại đồ ăn bổ dưỡng như sữa ong chúa, yến, váng sữa
Không phải tất cả các thực phẩm bổ là tốt cho trẻ dưới 1 tuổi. Những thực phẩm được cho là bổ dưỡng nhưng đối với các bé dưới 1 tuổi nếu cha mẹ giới thiệu không đúng sẽ là một gánh nặng lên thận và các vấn đề tiêu hóa. Trẻ nhỏ không cần ăn thực phẩm bổ dưỡng mà chỉ cần ăn đúng, đủ lượng chất dinh dưỡng từ các thực phẩm thông thường là đủ cho bé phát triển toàn diện.

Các sản phẩm từ yến gồm nước yến, yến sào, tổ yến và mật ong, kể cả sữa ong chúa không khuyên dùng cho các bé dưới 1 tuổi vì nguy cơ dị ứng cao. Chỉ cho bé dùng khi bé từ 1,5 tuổi trở lên. Riêng mật ong rừng chỉ khuyên dùng khi bé trên 2 tuổi.

 



Váng sữa có thành phần chất béo cao nhưng ít dưỡng chất (Ảnh minh họa).

Còn 1 số loại thực phẩm cũng được cho là bổ dưỡng khác:

Hạt chia: Nhiều cha mẹ thường nghe quảng cáo liên quan đến giàu omega-3. Thực tế, hạt Chia không chứa chất béo omega-3 DHA và EPA quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ. Hạt chia chứa ALA, vitamin và khoáng như một số hạt khác. Bé từ 6 tháng tuổi có thể cho hạt chia, nên ăn cân bằng như các hạt khác, ngày ăn 5g, tuần cũng không nên quá 4 ngày.

Gạo lứt: Gạo lứt không thích hợp cho bé dưới 5 tuổi vì loại gạo này tạo cảm giác bé no nhanh, bé sẽ không nhận đủ năng lượng bé cần.

Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý độ tuổi chính xác nhất bố mẹ nên cho con ăn sữa chua, váng sữa, phô mai
ĐỌC NGAY
Váng sữa: Váng sữa có thành phần chất béo cao (~13g/100g váng sữa), nhưng ít dưỡng chất, một số có nhiều đường. Lượng chất béo cao trong váng sữa không thích hợp cho hệ tiêu hóa bé nếu bé chưa đủ 10 tháng tuổi.

- Bé từ 10-12 tháng tuổi: Dùng không quá 30g/ngày, tuần không quá 3 ngày.
- Bé trên 1 tuổi dùng không quá 50g/ngày, tuần không quá 4 ngày.

Các bé thừa cân béo phì không khuyên dùng. Một số váng sữa ở Việt Nam có thể không đúng như tên gọi, tỷ lệ chất béo không phù hợp, có thể có thêm phụ gia và lượng đường cao. Do đó, nên đọc thành phần trước khi mua. Tất cả các sản phẩm có đường không khuyên dùng cho bé dưới 1 tuổi.

Sữa chua-phô mai: Có thể cho các bé làm quen với phô mai (cheese cubes), sữa chua phô mai ở tuần thứ 7-8 ăn dặm hoặc 7,5 - 8 tháng tuổi.

Vài nét về tác giả:

Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".

Nguồn Afamily