Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 cách hiệu quả giúp phòng tránh dị tật thai nhi, mẹ bầu nào cũng phải biết



Dị tật thai nhi có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản mà mẹ bầu nào cũng nên nghiêm túc thực hiện.

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể mắc những dị tật bẩm sinh do nhiều nguyên nhân. Từ dị tật chỉ bé bằng nốt chấm như lỗ rò luân nhĩ, dị tật bí ẩn như tinh hoàn lạc chỗ cho đến những dị tật lớn, rõ ràng như sứt môi, hở hàm ếch... Ngoài ra, còn có những dị tật chức năng khi trẻ lớn lên mới thấy rõ như câm điếc bẩm sinh, tự kỉ...

 

Mẹ nào cũng mong muốn con sinh con ra khỏe mạnh, vì vậy việc phòng tránh dị tật thai nhi là việc mẹ bầu nào cũng nên biết (Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên mẹ bầu không cần quá lo lắng, bởi dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mẹ bầu thực hiện đúng những lời khuyên của bác sĩ và khám thai định kỳ theo hướng dẫn. Thêm vào đó, cùng với một lối sống lành mạnh, khoa học cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Dưới đây là 5 cách giúp mẹ bầu phòng tránh dị tật thai nhi cho bé con nhà mình:

1. Bổ sung axit folic

Ống thần kinh được hình thành trong giai đoạn đầu thai nhi mới được hình thành, sau đó sẽ phát triển thành não và cột sống. Dị tật ống thần kinh là hiện tượng phát triển không bình thường của não và cột sống của thai nhi, gây ra dị tật như nứt đốt sống, vô sọ, bệnh về não. Theo Học viện Nhi khoa - Mỹ (AAP), axit folic là chất rất quan trọng vì nó giúp ngăn ngừa các khiếm khuyết, dị tật lớn ở não và cột sống của trẻ.

Nguồn thực phẩm giàu axit folic cần được bổ sung trong chế độ ăn của mẹ bầu (Ảnh minh họa)

Mặc dù thiếu axit folic không thực sự gây ra các khuyết tật ống thần kinh, nhưng bổ sung axit folic có thể làm giảm tỷ lệ đột biến gen dẫn đến dị tật. Việc bổ sung đủ axit folic và các vitamin B khác trước khi mang thai và giai đoạn đầu của thai kỳ có thể giảm đáng kể nguy cơ dị tật thai nhi. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mẹ bầu cần bổ sung 400microgam (mcg) axit folic mỗi ngày trong thời gian mang thai và nên bổ sung ít nhất 1 tháng trước khi thụ thai thông qua chế độ ăn giàu axit folic, thực phẩm chức năng.

2. Tiêm phòng đầy đủ
Trước khi mang thai từ 3-6 tháng, người mẹ nên đi khám sức khỏe tổng thể và tiêm phòng những bệnh cần thiết như cúm, rubella... để tránh nguy cơ mắc bệnh khi mang thai và gây ra các dị tật cho thai nhi. Theo Đại học Sản - Phụ khoa Mỹ (ACOG), bệnh rubella (sởi Đức) có thể gây sảy thai hoặc điếc, mù, dị tật tim hoặc thiểu năng trí tuệ ở trẻ sơ sinh. ACOG khuyến nghị mẹ bầu nên tiêm phòng 2 loại vắc xin bao gồm vắc xin cúm và vắc-xin Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà). Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần tham khảo thêm bác sĩ về cách phòng ngừa bệnh tật khi mang thai và biết cách tự chăm sóc mình tốt nhất khi bầu bí.

3. Loại bỏ rượu, bia, thuốc lá

Tránh xa khói thuốc và các tác nhân có thể gây hại cho thai nhi (Ảnh minh họa)

Tổ chức CDC cho biết không có lượng cồn nào được cho là an toàn trong thời gian mang thai và trước thụ thai. Vì vậy, tốt hơn hết là các mẹ bầu và chuẩn bị mang bầu nên kiêng kị tuyệt đối các loại rượu bia, đồ uống có cồn. Uống rượu khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu, gây ra khuyết tật về thể chất, hành vi và trí tuệ của trẻ sau này.


Em bé sinh ra với chiếc đuôi dài - dị tật dễ mắc và ở giai đoạn đầu mang thai, nhất là tuần thai thứ 5 và 6

Các chuyên gia cũng khuyên mẹ bầu nên bỏ hút thuốc vì làm nguy cơ sinh non, tử vong trẻ sơ sinh và dị tật bẩm sinh như sứt môi hoặc vòm miệng. Đây đều là những thói quen có nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì vậy ngay từ trước khi mang bầu, người mẹ cần chủ động loại bỏ ngay thói quen uống rượu, bia, hút thuốc lá, ma túy và tiêu thụ caffeine để phòng tránh dị tật cho em bé của mình.

4. Giữ cân nặng khỏe mạnh
Nếu người mẹ bị thiếu cân, thừa cân, hay béo phì và đang có kế hoạch mang thai thì Tổ chức AAP khuyên nên hỏi ý kiến chuyên gia, bác sĩ để có thể đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. AAP cho hay béo phì có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi như các vấn đề về tim, dị tật ống thần kinh, các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ.

5. Thăm khám đầy đủ

Thăm khám định kì, sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm các dị tật thai nhi (Ảnh minh họa)

Ngay từ trước khi mang thai và trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám và theo dõi thai kì mà bác sĩ đã đưa ra. Ngoài ra, việc thực hiện các hoạt động sàng lọc và chẩn đoán cần thiết khi mang thai sẽ giúp phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ngay từ trong giai đoạn bào thai. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong công tác điều trị nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính các bé và bố mẹ.

Nguồn Mecon