Giới hạn sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ dưới 5 tuổi
Trong hướng dẫn mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày.
Hạn chế tối đa thiết bị điện tử cho trẻ dưới 5 tuổi
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu trong một tuyên bố liên quan đến các hướng dẫn mới về “SCREEN TIME” (thời gian sử dụng các thiết bị điện tử): “Khi còn bé, trẻ sẽ phát triển nhanh chóng về mọi mặt, đây là thời điểm mà các mô hình về lối sống gia đình có thể được điều chỉnh và áp dụng để giúp trẻ có một sức khỏe tốt”. Đại diện cơ quan y tế của Liên hợp quốc công bố: “Hạn chế tối đa hoặc thậm chí là không cho trẻ dưới 5 tuổi sử dụng màn hình các thiết bị điện tử sẽ giúp trẻ có một sức khỏe tốt hơn”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc không cho trẻ tiếp xúc với iPad hoặc các thiết bị điện tử khác chỉ là một phần của giải pháp. Thêm vào đó, trẻ em dưới 5 tuổi cũng nên tập thể dục và ngủ nhiều hơn để phát triển những thói quen tốt giúp ngăn ngừa béo phì và bệnh tật ở tuổi thiếu niên và trưởng thành.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus - người đứng đầu của WHO cho biết, để có một sức khỏe toàn diện thì phải làm những gì tốt nhất cho sức khỏe ngay từ đầu. Thời thơ ấu là một thời kỳ mà trẻ phát triển nhanh chóng và là thời điểm mà các mô hình lối sống gia đình có thể được áp dụng để giúp trẻ tăng cường sức khỏe.
Thế hệ trước lo lắng về ảnh hưởng của radio và TV đến con người thì các nhà nghiên cứu ngày nay lại lo lắng về sự ảnh hưởng của “SCREEN TIME”, hay nói cách khác đó là việc dành thời gian tương tác với TV, máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng kỹ thuật số hay trò chơi video mà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não và sức khỏe chung của con người... nhưng dữ liệu về những ảnh hưởng này còn tương đối hạn chế.
Năm 2016, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) đã ban hành các hướng dẫn khuyến nghị không sử dụng các thiết bị điện tử cho trẻ dưới 18 tháng tuổi, ngoại trừ việc gọi điện trò chuyện với trẻ qua video. Họ cũng khuyến cáo rằng, chỉ nên cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi tiếp cận với các chương trình chất lượng cao đã được kiểm duyệt và cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên xem chương trình này với chúng. Trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi chỉ nên xem tối đa 1 giờ mỗi ngày những chương trình được cha mẹ kiểm duyệt.
Trẻ dưới 5 tuổi cần hoạt động thể chất và ngủ nhiều
TS. David Hill - một bác sĩ nhi khoa, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học soạn thảo các hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ năm 2016 cho biết, không có lợi ích nào được biết đến trong việc cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi sử dụng các thiết bị điện tử. Nhưng ông nói thêm rằng công nghệ đang phát triển nhanh hơn việc nghiên cứu khoa học về tác động của những thiết bị điện tử mới đối với bộ não trẻ. “Chúng tôi chắc chắn sẽ điều chỉnh lại các khuyến nghị của mình khi có thêm dữ liệu, nó có thể là một hướng đi mới trong tương lai”, TS. David Hill chia sẻ.
Hạn chế cho trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử
Các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới đang vượt xa hơn các khuyến nghị của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ.
TS. Fiona Bull - người quản lý chương trình giám sát và phòng ngừa các bệnh không truyền nhiễm tại WHO đã lãnh đạo một nhóm chuyên gia phát triển các hướng dẫn cho rằng: Tăng cường vận động thể lực, cho trẻ hoạt động nhiều hơn và đảm bảo giấc ngủ chất lượng ở trẻ nhỏ sẽ cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của trẻ cũng như giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh liên quan đến cuộc sống sau này.
Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị trẻ em dưới 5 tuổi không nên bị gò bó trong xe đẩy hoặc ngồi trên ghế cao hoặc được cõng trên lưng người chăm sóc quá 1 giờ liên tục. Và trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi nên có 3 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày và ngủ ít nhất 10 giờ mỗi đêm.
Theo WHO, số người béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 3 kể từ năm 1974. Các trường hợp béo phì ở trẻ em từng được coi là tai họa của các quốc gia phát triển và hiện tượng này đang gia tăng mạnh mẽ ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á. Việc không tuân thủ các khuyến nghị về hoạt động thể chất là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm ở tất cả các nhóm tuổi.
TS. Juana Willumsen - người đại diện về các vấn đề béo phì của trẻ em tại WHO cho biết, những gì chúng ta thực sự cần làm là mang lại cho trẻ những thời gian vui chơi bổ ích. Hãy chuyển thời gian không vận động sang thời gian vui chơi giải trí, đồng thời bảo vệ giấc ngủ cho trẻ.
DS. Nguyễn Mạnh Hùng
Nguồn https://suckhoedoisong.vn
|