Hội thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi sẽ hết áp lực và không còn diễn
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGD ĐT, ngày 20/12/2019 quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông. Hai hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm, trong suốt thời gian qua từng tốn không ít giấy, mực của báo chí. Có nhiều ý kiến trái chiều của cán bộ, thầy cô giáo, người thì bảo là cần thiết, người thì cho rằng hình thức, áp lực, vô bổ, nếu muốn tiếp tục duy trì thì phải điều chỉnh, thay đổi thể lệ, nội dung thi. Giờ đây, khi tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi sẽ đỡ áp lực hơn. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn) Thầy Nguyễn Đắc Vương, tổ trưởng tổ xã hội (Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi hoan nghênh tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các thầy cô giáo ở cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã những điều chỉnh, cải tiến kịp thời theo hướng đi vào thực chất, giảm bớt áp lực, căng thẳng cho giáo viên dự thi. Về thi giáo viên dạy giỏi, ở cấp trường 2 năm tổ chức 1 lần (trước đây mỗi năm 1 lần), không phải nộp sáng kiến kinh nghiệm và không phải làm bài thi lý thuyết về kiến thức chung - nghiệp vụ sư phạm. Chỉ còn 1 tiết dạy và trình bày một biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy với thời lượng không quá 30 phút. Một, quy định mới ban hành được chắt lọc từ chính thực tiễn sống động của môi trường giáo dục, chắc chắn sẽ không bị “sóng gió” như quy định, thông tư trước đây, thổi được động lực thầy cô giáo tự nguyện, thoải mái tham gia sân chơi” chuyên môn này.” Cô Hoa, một giáo viên tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh, quan tâm đến điểm mới của hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, nhận xét: “Nếu trước đây có tới 4 nội dung thi (kiểm tra hồ sơ chủ nhiệm, sáng kiến kinh nghiệm, xử lý tình huống sư phạm và kể chuyện) thì nay chỉ còn 2 nội dung: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc khoảng 30 phút. Nội dung trình bày một biện pháp để nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm cũng như biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy ở thi giáo viên dạy giỏi xem ra có lý, thuyết phục hơn nhiều, từ đây sẽ hết cảnh "diễn đến chảy nước" như nội dung kể về kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc ở thông tư cũ”. Trong thông tư lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh mục đích của hội thi: “Phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành. Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp. Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông. Trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc: “Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi. Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất. Đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành”. Tuy nhiên vẫn còn có bạn đọc, thầy cô giáo băn khoăn: “Sẽ là không đồng bộ khi không bắt buộc giáo viên tham gia các hội thi nhưng tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua tập thể, các nhà trường... lại đưa các tiêu chí học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi... vào. Cần có sự thay đổi đồng bộ hơn”. Nguồn giaoduc.net.vn |