Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ hóc dị vật: Xử trí nhanh, tỷ lệ cứu sống trên 90%


Chỉ một sơ suất nhỏ, bé không may hóc sẽ rất nguy hiểm. Thông thường, khi thức ăn chạm vào gốc lưỡi thì đường thở đóng lại, thức ăn sẽ qua thực quản xuống dạ dày. Tuy nhiên, nếu thức ăn xuống quá nhanh khi đường thở vẫn mở thì sẽ trôi xuống và làm tắc đường thở. Ở trẻ em, phản xạ đóng mở đường thở và đường tiêu hóa chưa được tốt như người lớn, việc hóc dị vật đường thở hay xảy ra. Đặc biệt là ngày Tết. Tai nạn hóc đường thở khiến trẻ có thể tử vong trong tích tắc.

Xử lý nhanh nhất có thể

Khi trẻ bị hóc, phụ huynh cần tuyệt đối bình tĩnh và không làm trẻ hốt hoảng, vì khi đó trẻ thường cố nuốt dị vật xuống. Phải thực hiện động tác sơ cứu ngay, bất kỳ ai cũng đừng chần chừ khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật vì sau 4 phút không lấy được dị vật ra ngoài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tính mạng. Với trẻ nhỏ, phụ huynh đặt bé nằm úp trên cánh tay, tay còn lại vỗ mạnh vào lưng trẻ. Trẻ lớn hơn thì quàng tay quanh ngực, sốc mạnh trẻ về phía sau. Động tác cấp cứu này nếu làm đúng sẽ khiến dị vật văng ra ngoài, tỷ lệ cứu sống lên tới trên 90%.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách sơ cứu để giúp trẻ nôn ói dị vật, nhiều người đã thò tay móc họng làm dị vật lọt sâu thêm, hay có thể làm trầy xước vùng họng gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Nếu trẻ vẫn đang thở bình thường, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để gắp dị vật ra. Nếu hóc dị vật cứng nhỏ, trẻ có cơ may sống sót cao hơn vì dị vật này có thể rớt vào đường thở nhưng không bít hết. Nhưng khi ăn thạch rau câu to, mềm, trẻ sặc sẽ bị bít chặt đường thở, không ho ra được. Việc gắp cục thạch ra cũng rất khó bởi nó rất trơn.


Hóc dị vật ở trẻ nhỏ là tình trạng rất nguy hiểm nếu không có biện pháp xử trí kịp thời.

Cẩn trọng với dị vật bỏ quên

Thực tế, có nhiều trẻ cũng bị hóc dị vật nhưng ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua” nên dễ bị bỏ qua. Biểu hiện khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng nên nhiều người nhầm tưởng dị vật đã được trôi xuống, bé hết hóc.

Tuy nhiên sau đó, trẻ bị khó thở, ho dai dẳng, sau đó do dị vật vẫn còn nằm trong thực quản, đường thở ép vào thanh quản, khí quản. Biểu hiện ban đầu khò khè, sốt, khàn tiếng, thường rất dễ nhầm với viêm phổi, hen suyễn kéo dài. Có những trường hợp điều trị viêm phổi kéo dài nhiều tháng không đáp ứng, đến khi chụp phim mới thấy ứ khí trong phế quản.Một số dị vật, bác sĩ phải soi mới thấy, chụp phim không phát hiện được các dị vật không cản quang (ví dụ như hạt bí, hạt dưa...). Nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời, dị vật sẽ làm áp-xe phổi, nguy cơ tử vong cao.

Vì thế, sau cơn ho của trẻ, dù trẻ đỡ triệu chứng, trở lại bình thường thì cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi trẻ, nếu vẫn thấy trẻ húng hắng ho, khò khè thì nên đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra chính xác.

Khuyến cáo của bác sĩ

Trong mọi thời điểm, luôn cần để mắt đến trẻ. Nhất là trong ngày Tết, với quá nhiều đồ ăn là các loại hạt nguy hiểm cho trẻ, chỉ 1 phút lơ đãng có thể nguy hiểm cho con bạn. Khi đó, Tết sẽ không còn ý nghĩa. Tốt nhất, cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi bởi phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc hoặc dùng thìa dằm nhỏ rồi mới cho trẻ ăn... Cũng cần lưu ý, trẻ rất hay vừa ăn vừa chạy nhảy và rất dễ bị hóc. Vì thế, hãy tập cho trẻ thói quen khi ăn không cười đùa, chạy nhảy.

Nguồn suckhoedoisong.vn