Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cảm động thầy Hiệu trưởng xin gạo cho học sinh vùng cao


Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh đóng ở địa bàn xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Xã Nậm Manh cách trung tâm huyện Nậm Nhùn khoảng 10 cây số. Dân cư đa số là người dân tộc Mông và Khơ Mú, sống rải rác ở 5 bản (Nậm Manh, Nậm Nàn, Nậm Pồ, Huổi Chát, Huổi Héo) với 10 điểm nhóm nhỏ lẻ.


Học sinh dân tộc Mông (Ảnh: Phạm Quốc Bảo)

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh nơi đây 100% đều là con em đồng bào Mông.

Người dân vùng này sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, năng suất thu hoạch cũng rất thấp. Bởi vậy kinh tế của đại đa số hộ dân trong xã rất khó khăn và thiếu thốn.

Hầu hết học sinh đều thuộc gia đình có thu nhập vào diện hộ nghèo và cận nghèo. Cha mẹ không có điều kiện chăm sóc chu đáo cho con cái.

Thầy Bảo thông tin, năm học 2019-2020, nhà trường có 19 lớp với 455 học sinh. Trong đó có 251 em từ lớp 2 đến lớp 5 của các điểm lẻ về học tại trung tâm trường.

Học sinh ở cách trường từ 4 đến 30 cây số nên các em phải ăn ở nội trú, cuối tuần hoặc cuối tháng mới về thăm gia đình.


Lốp xe ô-tô cũ giúp học sinh vùng cao vui chơi giải trí (Ảnh: Nguyễn Thị Hường)

Nói về lí do thầy cô xin gạo cho học sinh, thầy Bảo chia sẻ:

“Do từ năm 2017 xã ra khỏi vùng 3, chỉ còn 2 bản thuộc vùng 3 nên hiện tại chỉ có 48 học sinh (thuộc bản vùng 3) được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116 (được cấp gạo và tiền ăn hàng tháng). 203 em còn lại đã ra khỏi vùng 3 nên không được hưởng chế độ.

Từ tháng 1/2019, học sinh ở nội trú không thuộc vùng 3 chỉ được tỉnh hỗ trợ tiền, không được hỗ trợ gạo nên nhà trường phải đi xin cho các em ăn”.

Thầy Bảo nói rằng, học kì 1 của năm học này, học sinh đã có đủ gạo để ăn. Nhưng qua học kì 2, nhà trường cần 9.774 kg gạo (230 học sinh x 0,4 kg x 30 ngày x 4 tháng) để nuôi các em.

Ngoài nhu cầu về gạo, nhà trường cũng cần xây thêm một bếp ăn bán trú (65m vuông). Hiện tại nhà trường dùng tạm bếp ăn cũ đã xuống cấp nhiều, và chắc chắn không thể sử dụng cho thời gian tới.

“Nhà trường kính mong các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hết sức giúp đỡ”, thầy Hiệu trưởng kêu gọi.


Thư kêu gọi của thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo (Ảnh: Nguyễn Thị Hường)

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh học sinh, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh kể:

“Người dân nơi này sinh nhiều con, có gia đình đến 5, 6 đứa đi học nên không đủ gạo đóng cho nhà trường.

Trước đây thầy cô chúng tôi phải rất vất vả đi vận động học sinh theo học, nay tình hình cũng đỡ hơn nhiều”.

Cô Hường nói thêm, thầy cô ngoài việc dạy văn hóa còn phụ giúp chia nhóm, chia cơm cho học sinh trong mỗi bữa ăn.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng hướng dẫn học sinh vệ sinh trường lớp, nơi ăn chốn ở, khu sinh hoạt và trực buổi trưa, buổi tối vào lúc các em ngủ.

Thầy cô làm việc bằng cả tấm lòng, vì từ lúc trường ra khỏi vùng 3 thì giáo viên không còn được hưởng chế độ phụ cấp.

“Giáo viên trường tôi ai dạy ở bản thì ở lại tại bản cuối tuần mới về nhà. Ai dạy trung tâm thì thuê nhà ở, có người thì mượn phòng cũ của thủy điện ở cách trường 10 đến 12 cây số. Chúng tôi cũng ăn uống tự túc”, cô Hường tâm sự.

Học sinh vùng cao rất thiếu thốn nơi vui chơi giải trí sau những giờ học. Chính vì vậy, thời gian rảnh thầy cô đi xin lốp xe ô-tô cũ mang về tạo thêm sân chơi cho các em.

Những chiếc lốp xe ô-tô phế thải trông thô và xấu xí, nhưng qua bàn tay khéo léo của thầy cô, nó được quét sơn nhiều màu trông rất bắt mắt, ngộ nghĩnh.

Cũng từ chiếc lốp, học sinh được chơi trò bập bênh, chơi đu quay và thỏa sức leo trèo rất vui nhộn.

“Năm tới, học sinh sẽ ở bản lẻ học vì hết được hỗ trợ. Chúng tôi cũng khó lòng nuôi nỗi các em vì thiếu gạo…”, thầy Hiệu trưởng ngậm ngùi.

Nguồn: giaoduc.net.vn