Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

20 năm dạy học nơi vùng sâu giờ mới có điều kiện mặc áo dài lên lớp


Cô giáo Trần Thị Lan Anh là giáo viên Trường Trung học Cơ sở Vàm Rầy, Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang có hơn 20 năm dạy học vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trường Vàm Rầy nơi cô Lan Anh dạy học đã thành lập được gần hai mươi năm, những năm đầu bao gồm điểm chính và sáu điểm lẻ nằm hoàn toàn trong vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của xã Bình Sơn, nhưng hai năm gần đây đã xóa bỏ bớt được ba điểm lẻ.

Cô đã gắn bọ với ngôi trường này từ những ngày đầu thành lập, khi đó nhiều điểm trường chỉ là những phòng cây lá đơn sơ, nền đất lồi lõm thơm đậm mùi sình lầy.


Cô giáo Trần Thị Lan Anh có hơn 20 năm dạy học nơi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc (ảnh do nhân vật cung cấp).

Đường xe gần như không có giáo viên muốn đi đến điểm dạy phải đi đò dọc mà mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến ra hoặc vào.

Nhiều giáo viên đã phải ở trọ nhờ nhà dân địa phương gần nơi công tác. Theo cô Lan Anh: “Nói là không có đường xe thì cũng không đúng vì thực ra là có một con đường đất chạy theo bờ kênh Vàm Rầy để đi đến hầu hết tất cả các điểm của trường.

Nhưng nơi đây vào mùa mưa được mệnh danh là “giao thông hào” giữa thời bình. Gần ba tháng trời, ngày ngày thầy và trò đến trường với chân đất, quần xắn qua gối, dép bỏ vào cặp, mím môi, gắng sức đẩy xe vượt qua những đoạn đường sình lầy trơn như đổ mỡ”.

Cô Lan Anh cho rằng, đây là địa bàn sinh sống nhiều khó khăn nên người dân ở rất thưa thớt bởi vậy mà số học sinh trong mỗi lớp không nhiều nên mỗi thầy, cô giáo thường đảm nhiệm từ hai đến ba lớp, có lớp đơn và có cả lớp ghép nhiều trình độ.

Những năm đầu, chưa có điện, tối tối các thầy, cô giáo phải miệt mài soạn giáo án, chấm bài bên ngọn đền dầu lù mù.

Cô Lan Anh  từng có nhiều năm tham gia dạy lớp xóa mùa chữ cho người dân địa phương vào mỗi  tối. Cứ như vậy, thời gian trôi qua hết năm này đến năm khác, bao lớp học trò đã được dìu dắt nên người từ những  người giáo viên cần mẫn như cô.

Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự nỗ lực góp công của người dân thì cuối cùng con đường cũng được bê tông hóa, các “giao thông hào” và bãi lầy không còn nữa.

Lần đầu tiên các cô giáo được mặc áo dài đến lớp – một trang phục truyền thống của dân tộc và cũng là đồng phục của hầu hết giáo viên nữ các trường trong huyện.

Cũng do có đường giao thông thuận lợi mà dân tập trung đến ở đông hơn nên đã hoàn toàn xóa bỏ được lớp ghép và một số điểm trường cũng được gộp lại, giảm bớt điểm lẻ cho trường.

Tuy nhiên, những giáo viên như cô Lan Anh chưa hẳn đã hết vất vả. Vì trường nằm trên địa bàn thuộc vùng sâu, lại có nhiều hộ dân là dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer, dân tộc Hoa) nên việc làm công tác giáo dục nơi đây vẫn còn vô vàn gian nan, vất vả.

Đời sống khó khăn cộng với trình độ dân trí nơi này còn nhiều hạn chế, nhất là nhận thức của phụ huynh học sinh về việc học tập của con em mình.

Tất cả trách nhiệm dạy dỗ học sinh đều dựa vào giáo viên. Các em đến lớp với nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ nhận thức khác nhau.


20 năm gắn bó dạy học nơi vùng đất Vàm Rầy, cô Lan Anh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nơi đây (ảnh do nhân vật cung cấp).

Hầu như khi bước vào học lớp một, học sinh chưa từng được trải qua trường mẫu giáo nên phải khéo léo dỗ dành cho các em nín khóc…

Lại có như những điểm trường có tới trên 50% học sinh là dân tộc thiểu số như điểm trường hiện nay cô Lan Anh đang dạy.

Nhiều em nói tiếng phổ thông chưa thạo nên việc rèn các em phát âm đúng chuẩn và nắm được kiến thức cơ bản cần truyền thụ là cực kỳ khó khăn.

Cô Lan Anh cho rằng, mỗi tiết học trên lớp giáo viên phải nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp tối ưu nhất để truyền thụ cho các em dễ hiểu, dễ nắm được bài.

Bên cạnh dạy chữ, thầy cô còn phải dạy cho các em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kiến thức  về an toàn giao thông hay phòng tránh đuối nước rồi hướng dẫn các em cách học ở nhà…

Công việc giảng dạy đã vất vả vậy nhưng để duy trì sĩ số học sinh đến hết năm học còn khó khăn hơn. Giáo viên phải thường xuyên đi vận động các em học sinh đến trường.

Một mặt vì gia đình và bản thân các em không xác định được tầm quan trọng của việc học, mặt khác nhiều em phải ở nhà phụ giúp cha mẹ nên việc nghỉ học bừa bãi hay bỏ học giữa chừng còn diễn ra nhiều.

Khó khăn là vậy, nhưng với lương tâm của một nhà giáo và tinh thần trách nhiệm đã thôi thúc những cô thầy giáo nơi đây vượt qua mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc.

Trong những năm qua, trường Vàm Rầy luôn gặt hái được những thành tích đáng kể, tuy chưa nhiều song cũng đáng tự hào vì đó là cả một sự nỗ lực to lớn của đội ngũ các bộ giáo viên trong trường.

Là một giáo viên đã gắn bó với trường Trung học Cơ sở Vàm Rầy từ những ngày đầu nên cô Lan Anh thấu hểu những gian khó mà đội ngũ giáo viên trong trường đã từng trải.

Trong suốt hai mươi năm công tác cô đã sánh vai cùng đồng nghiệp, vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chèo đò tri thức.

Cô tự hào, đội ngũ nhà trường đã gặt hái được những thành công nhất định, nhiều năm trường đã có giáo viên và học sinh giỏi cấp tỉnh – trong đó có cả học sinh là dân tộc thiểu số.

Những thành tích đó tuy không nhiều nhưng phần nào cũng cảm thấy tự hào vì đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Nguồn: giaoduc.net.vn