Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ viêm tai giữa, coi chừng suy giảm thính lực


Viêm tai giữa là tình trạng thường xảy ra ở trẻ em. Đặc biệt giao mùa là thời điểm phát sinh nhiều bệnh lý tai mũi họng.

Khi mắc viêm tai giữa, thính lực của trẻ có thể bị suy giảm, thậm chí dẫn đến điếc vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất, là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh nhiễm trùng ở tai. Đây là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm (nằm ở sau màng nhĩ). Bệnh thường tạo ra dịch trong hòm nhĩ, dịch này có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng. Bệnh có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virut. Tình trạng nhiễm khuẩn này thường là kết quả của một bệnh có liên quan tới đường hô hấp trên như: bệnh cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng - nguyên nhân gây tắc nghẽn, sưng đường mũi, họng và ống Eustachian (bộ phận nối giữa vòm họng và tai giúp giảm áp lực của âm thanh).

Viêm tai giữa có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau nhưng đặc biệt hay gặp trẻ nhỏ do các nguyên nhân sau: Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Trẻ có cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh. Tai trong của trẻ sẽ được kết nối với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác. Bình thường ống thính giác mở cho phép chất lỏng và tạp chất thoát ra ngoài. Khi ống này bị đóng, các chất thải không thoát được và dẫn đến vi khuẩn sẽ kẹt lại bên trong tai, gây nhiễm trùng. Ống thính giác ở bé ngắn hơn người lớn nên dễ bị tắc.

Tai được chia làm ba phần bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa bằng màng nhĩ. Tai giữa và tai trong được ngăn cách với nhau bởi lớp màng ở cửa sổ tròn, lớp màng này rất dễ hấp thu các loại thuốc, đây cũng là lý do khiến tai trong dễ bị ngộ độc, góp phần làm suy giảm thính lực.

Sự khởi đầu của viêm tai giữa thường nhanh chóng với các triệu chứng điển hình như: đau tai, sốt, chảy dịch từ tai, ù tai, nghe kém, suy giảm thính lực,... Nếu bị viêm tai giữa mà không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh phát nặng, dễ gây ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm và nặng nhất là điếc vĩnh viễn. Nguy hiểm nhất là khi biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp-xe não, áp xe ngoài màng cứng... dễ gây tử vong ở trẻ.

Các bộ phận của tai

Viêm tai giữa gây ra mất thính giác thế nào?

Trong tai giữa có ba xương nhỏ mang rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Khi trong tai có chất nhày, những rung động truyền không hiệu quả và năng lượng âm thanh bị mất. Kết quả là có thể bị mất thính giác nhẹ hoặc thậm chí ở mức vừa phải. Vì vậy, âm thanh lọt vào tai bị bóp nghẹt hoặc không nghe được. Nói chung, vấn đề này dễ dẫn đến mất thính lực và chỉ ở trạng thái tạm thời. Tuy nhiên nếu bị viêm tai giữa nhiều lần sẽ gây thiệt hại cho màng nhĩ, xương tai, hoặc thậm chí ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác gây ra mất thính giác.

Triệu chứng, tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở từng trường hợp có sự khác nhau. Một số trẻ bị mắc viêm tai trong một thời gian ngắn, không tích tụ chất nhày, cũng không đau hoặc sốt, nhưng lại có hiện tượng giảm nhẹ khả năng nghe. Cũng có những trường hợp khác trẻ sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại, dẫn đến nhiều biến chứng và chất nhày có thể “dính như keo” và khiến trẻ mất thính lực vĩnh viễn. Hiện tượng dẫn đến điếc có thể xảy ra với nhiều trường hợp viêm tai giữa. Trên thực tế, đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mất thính lực ở trẻ nhỏ. Viêm tai giữa khi được chữa lành thì thính lực của trẻ cũng quay trở lại như cũ.

Điều đáng ngại hơn cả là nếu viêm tai giữa xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi - độ tuổi đang học nói và phát triển ngôn ngữ từ việc nghe người khác nói chuyện. Nếu bị mất thính giác, trẻ có thể đã bỏ lỡ một số thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và lời nói, trẻ sẽ không có đủ điều kiện tích lũy học tập ngôn ngữ, nên sẽ chậm nói và khiếm khuyết ngôn ngữ.

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Khi trẻ bị viêm tai giữa, cần có những biện pháp chăm sóc thiết thực như sau: Không để trẻ cho tay vào tai, không đưa tay gãi phần xung quanh tai. Dùng đèn pin kiểm tra lỗ tai của trẻ xem có các biểu hiện dịch, mủ bên trong. Thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ bằng tăm bông, dung dịch phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi nhận thấy trẻ có những vấn đề về tai, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Sử dụng đơn thuốc và phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ sử dụng các loại dung dịch nhỏ tai, thuốc kháng sinh mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên cho trẻ tái khám theo định kỳ.

Cách phát hiện và phòng ngừa suy giảm thính lực

Do trẻ còn quá nhỏ và chưa thể hiện được suy nghĩ của bản thân, vì vậy để phát hiện sớm các dấu hiệu suy giảm thính lực ở trẻ, cha mẹ cần quan sát những biểu hiện sau: Thấy trẻ thường lơ đãng, không có chú ý đối với những điểm thu hút như ti vi, máy hát... Muốn nghe tiếng từ ti vi, máy hát... lớn hơn bình thường. Hay nhầm phương hướng. Không có phản ứng đối với tiếng ồn bên cạnh, gọi không nghe thấy. Thường mệt mỏi, hờ hững. Dễ bị kích động. Hay đưa tay vào tai, có lúc cào, kéo xước lỗ tai.

Không cho bất cứ vật gì vào bên trong tai của trẻ, nhắc nhở trẻ không cho vào tai mình. Tiêm phòng đầy đủ để tránh các chứng bệnh nguy hiểm, có thể để lại di chứng khiến trẻ bị suy giảm thính lực. Chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ khi trẻ bị nhiễm trùng tai hoặc các bệnh viêm tai. Không cho nghe âm thanh quá lớn, bật tivi quá to... sẽ tác động đến khả năng nghe của trẻ về sau. Chăm sóc đúng cách, thường xuyên vệ sinh tai để ngăn chặn nguy cơ trẻ giảm thính lực. Giữ gìn đôi tai cho trẻ để tránh các nguy cơ, các bệnh về tai có thể xảy ra.

BS. MINH TRẦN

Nguồn https://suckhoedoisong.vn