Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao trẻ tài năng thường khó tập trung?



Trẻ tài năng cần rất nhiều sự kích thích trí tuệ. Nếu không nhận đủ từ giáo viên, các em sẽ không chú ý đến bài giảng, tự tìm cách khám phá.

 

Nhiều người tin rằng trẻ tài năng, hay có năng khiếu sẽ bộc lộ sự ham thích trong lớp học. Trên thực tế, điều này chỉ đúng với số ít nhưng không phải là hành vi thông thường. Trẻ tài năng hành xử hoàn toàn ngược lại, không tập trung trên lớp và thường không làm bài tập về nhà.

Nguyên nhân của sự mất tập trung trên lớp không phải là các em không thích học. Trẻ có năng khiếu rất thích đi học và mong muốn trường học sẽ cung cấp kiến thức về những điều các em chưa biết. Tuy nhiên, thông tin tiếp nhận tại lớp học lại là những điều các em đã nắm rõ. Ví dụ, đứa trẻ năm tuổi đã quan tâm đến toán học lớp 3 sẽ chẳng thể dành sự chú ý cho việc học nhận biết mặt số.

Ngay khi thông tin trong bài học hoàn toàn mới, các em cũng học nhanh hơn bạn đồng trang lứa. Theo nghiên cứu, trẻ em cần lặp lại khái niệm mới từ 9 đến 12 lần để có thể ghi nhớ, nhưng trẻ có năng khiếu chỉ mất 1-2 lần.

Phần lớn trường học hiện nay dành cho học sinh trình độ phổ thông, các bài giảng cũng được xây dựng phục vụ nhu cầu học tập của những em này. Điều đó có nghĩa là trẻ tài năng đi học mẫu giáo không biết đọc sẽ chỉ mất một tuần để học cách đọc. Thời gian sau đó, trong khi các bạn ôn luyện, trẻ tài năng sẽ cảm thấy bực bội hoặc mất hứng thú.

Nếu những bài học trở nên buồn tẻ, đầu óc trẻ tài năng sẽ lang thang đến những vùng đất thú vị hơn. Đôi khi trông các em sẽ giống những người nghệ sĩ đang mơ mộng. Nếu vị trí ngồi sát cửa sổ, các em thường nhìn chằm chằm ra bên ngoài như thể muốn được vui chơi, nhưng thực ra đang phân tích xem tại sao những chú chim có thể bay hay điều gì tác động đến việc lá cây rơi.

Điều ngạc nhiên là nhiều em ở trong trạng thái mơ màng khi bị giáo viên đặt câu hỏi vẫn có thể trả lời hoàn toàn chính xác như thể các em vẫn luôn chăm chú lắng nghe. Một số khác bị cuốn hút vào suy nghĩ của mình đến mức không quan tâm đến lời nói của giáo viên, ngay khi bị gọi cả họ tên.

Giáo viên cho rằng hành động này thể hiện các em không thích việc học nhưng thực tế ngược lại. Các em thích học, trừ những điều đã nắm rõ. Tuy nhiên, rất khó cho giáo viên trong việc xử lý các tình huống này. Họ hiếm khi tiếp xúc và giảng dạy trẻ tài năng nên không thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu của những học sinh này.

 


Trẻ tài năng thường kém tập trung trong lớp học. Ảnh: Shutterstock


Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này, phụ huynh nên trực tiếp nói chuyện với giáo viên về tình hình của trẻ. Nên tránh sử dụng những cụm từ như "buồn chán", "thần đồng"... để nói về bài giảng và con. Khi bạn nói vậy, giáo viên sẽ nảy sinh tâm lý phòng thủ, cho rằng vấn đề ở khả năng tiếp thu của trẻ.

Thay vào đó, cha mẹ hãy nói đến những nhu cầu cá nhân. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với giáo viên rằng trẻ thích những nhiệm vụ thách thức, khó khăn hơn. Nếu giáo viên có vẻ nghi ngờ, phụ huynh có thể đề nghị thử áp dụng với trẻ xem có hiệu quả hay không.

Nếu trẻ vẫn đòi hỏi kiến thức cao hơn, phụ huynh hãy nghĩ chuyện cho con học "nhảy lớp" hoặc học tại trường giáo dục đặc biệt, phù hợp với năng lực. Hiện nay, nhiều gia đình hướng tới nuôi dạy trẻ tài năng tại nhà, song phụ huynh cần đảm bảo lấp đầy sự tò mò kiến thức của con.

Nếu nuôi dạy trẻ tài năng tại nhà, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp sau.

Cho phép trẻ hoạt động: Khi con học, hãy yêu cầu ngồi yên nhưng sau giờ học bạn hãy cho phép con thỏa thích vui chơi, vận động các giác quan. Điều này khiến trẻ có thể cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, thư giãn sau giờ học căng thẳng và xây dựng tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Thể hiện sự quan tâm của cha mẹ: Nếu muốn con tìm hiểu về lĩnh vực gì, cha mẹ trước hết hãy thể hiện sự quan tâm, chú ý của mình dành cho lĩnh vực đó. Nếu bạn là tấm gương cho sự yêu thích học tập, con bạn cũng sẽ như vậy.

Mở rộng bài học: Nếu bạn muốn con học tập nâng cao, hãy đưa phần mở rộng từng bước một vào bài học để trẻ dần thích nghi và giữ niềm hứng thú với bài học.

Tìm kiếm trải nghiệm trực tiếp: Bên cạnh việc học lý thuyết, những chương trình thực hành vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của trẻ. Bạn có thể cùng con đi bảo tàng để tìm hiểu lịch sử, tọa đàm về các lĩnh vực trẻ yêu thích hoặc tham quan vườn quốc gia để tìm hiểu về thế giới tự nhiên.

Học hỏi kinh nghiệm: Dù trẻ tài năng không phổ biến nhưng chắc chắn có những câu lạc bộ hoặc nhóm dành cho các em. Cha mẹ nên tìm đến những câu lạc bộ như vậy, hỏi kinh nghiệm từ phụ huynh khác và xin tài liệu giảng dạy của họ.

 

Nguồn VNE