Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nguy hiểm trẻ bị hạ đường huyết


Các triệu chứng của bệnh thường kết hợp với các rối loạn chức năng khác như trẻ cảm thấy đói cồn cào, co thắt dạ dày...

Các triệu chứng của bệnh thường kết hợp với các rối loạn chức năng khác như trẻ cảm thấy đói cồn cào, co thắt dạ dày, đi không vững, ngủ không yên giấc... Ở những trẻ nhỏ hơn thì thường xuyên quấy khóc, vật vã, hoặc lờ đờ ngủ gật. Đây là các triệu chứng sớm của rối loạn chức năng não.

Trường hợp trẻ bị bệnh nặng hơn, trẻ sẽ xuất hiện những rối loạn về thần kinh như kích thích, run, co cứng, cứng hàm, tăng trương lực, tiểu không tự chủ, rối loạn lời nói, nói ngọng, rối loạn thị giác, nhìn đôi, lác hoặc các rối loạn về tinh thần như vật vã, lú lẫn thoáng qua... Đôi lúc trẻ có thể lâm vào trạng thái thần kinh thực vật như rối loạn vận mạch, da xanh tái, giãn mạch, vã mồ hôi, tim đập nhanh...; rối loạn nhịp thở, giãn đồng tử. Các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, nôn, đói cồn cào vẫn tiếp tục làm trẻ vật vã khó chịu. Nếu bị hạ đường huyết nặng cũng gây ra các phản ứng giao cảm ở trẻ như đánh trống ngực, lo lắng bồn chồn, run rẩy, toát mồ hôi... Trường hợp trẻ bị hạ đường huyết rất nặng thì xuất hiện các triệu chứng đột ngột như: ngất xỉu, mất tri giác, trẻ lờ đờ, thở nhanh, nông, hoặc ngừng thở. Kèm theo hiện tượng thở nhanh, ngừng thở, trẻ có thể bị tím tái, co cứng đầu ngón tay, ngón chân do thiếu ôxy. Khi đó hệ thống động mạch, mao mạch của trẻ cũng không ổn định khiến mạch đập nhanh, nhỏ và yếu.

Trẻ bị hạ đường huyết nặng còn có thể xuất hiện các triệu chứng như co giật, run khu trú hay toàn bộ, co giật toàn thân, cơn co thắt, co cứng, vã mồ hôi. Các triệu chứng nặng nhất của hạ đường huyết, đến sau cơn co giật hoặc đến đột ngột, có thể nhẹ hoặc nặng như mất phản xạ, giảm trương lực cơ, rối loạn hô hấp, rối loạn nhịp tim và huyết áp.

BS. Nguyễn Bùi Kiều Linh

 Nguồn https://suckhoedoisong.vn