Ba kiểu người mẹ khiến trẻ gặp khó khăn trong tương lai
Mẹ nóng nảy, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng, khi đến trường lớp sẽ hay đánh bạn, ở nhà lại bắt nạt anh chị em, hàng xóm. Hẳn nhiên, yếu tố xã hội có tác động lớn đến nhân cách đứa trẻ, nhưng tầm ảnh hưởng từ người mẹ mới là quan trọng nhất. Lời nói và hành động của mẹ với sự phát triển của con cái mang tính cách sâu rộng, giống như ghi khắc lên một tờ giấy trắng, thế nên, không sai khi người xưa có câu: "Mẹ nào, con nấy". Thậm chí, có thể nhìn vào người mẹ, để phần nào biết đứa con của cô ấy ra sao trong tương lai. Dưới đây là những hình mẫu mẹ có ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đến trẻ: 1. Mẹ nóng nảy, ưa bạo lực, tính khí thất thường Trong lúc bực dọc, nhiều người mẹ thường nói với con: "Mày có nhanh lên không, đừng rề rà nữa, có tin tao sẽ cho mày một trận đòn nếu... ". Những người mẹ như thế luôn sẵn sàng áp dụng trừng phạt với đứa trẻ khi nó phạm lỗi, hay không đáp ứng yêu cầu của bố mẹ.
Thực tế cho thấy, phụ huynh nóng nảy, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng, khi đến trường lớp sẽ hay đánh bạn, ở nhà lại bắt nạt anh chị em, hàng xóm. Khi không được đáp ứng nhu cầu, nó sẽ không ngừng gào thét, khóc lóc, cho tới khi được dỗ dành, chiều theo mong muốn. Người mẹ nóng nảy thường có quan điểm bảo thủ, luôn đòi hỏi đứa trẻ và thậm chí bạo lực với con để con tuân thủ theo mình. Tuy nhiên, bạn quên rằng trẻ nhỏ cũng có nhân cách, ý tưởng riêng, việc áp đặt quan điểm của mình vào con chỉ khiến bé dễ nổi loạn, chống đối. Giải pháp cho mẹ nóng tính: Điều bạn cần làm là kiên nhẫn, kiềm chế, không được dùng roi vọt hay lời nặng nề áp đặt lên con, đừng quên rằng thứ con cần là sự đồng hành và quan tâm. Thay vì đặt ra cho con nhiều yêu cầu, hãy bắt đầu từ những yêu cầu tối thiểu, giúp con có thể đạt kết quả tốt. Khi trẻ đạt được thành quả công việc, tâm trạng mẹ cũng trở nên dễ chịu hơn. 2. Mẹ quá mạnh mẽ, coi mình là trung tâm "Con làm sao vậy, tại sao con lại không nghe lời mẹ?" "Mẹ, con muốn chơi với bạn một lúc được không?" "Không được" "Con chưa làm bài tập xong, đẹp mặt không?" Mẹ của Hiên Hiên rất mạnh mẽ, không chỉ rất nghiêm khắc với Hiên Hiên mà nghiêm khắc với cả chồng. Bởi vậy, bố Hiên Hiên rất ít khi tranh cãi với mẹ. Dường như chẳng bao giờ họ tranh luận với nhau, bố làm những điều mẹ muốn. Hồi Hiên Hiên còn nhỏ do tính hiếu kỳ nên nhiều lúc bé muốn tìm một đáp án phá cách, thế nhưng lúc nào cũng bị mẹ khống chế "Không được phép có đáp án như vậy, không được phép như thế". Có lẽ người mẹ có thói quen lãnh đạo, luôn muốn người khác phải tuân thủ lời nói của mình nên đã áp dụng suy nghĩ đó trong cách dạy con. Giờ Hiên Hiên mỗi khi về nhà đều yên tĩnh làm bài tập, nghe theo mọi lời sai bảo của mẹ. Cô bé dường như học được tính "ép dạ cầu toàn" của bố đối với mẹ, vì thế giữa cô bé và mẹ giờ đây rất ít khi tranh cãi. Giải pháp cho mẹ quá mạnh mẽ: Dù bạn là một phụ nữ quyết đoán, mạnh mẽ đến mấy, khi ở bên con, hãy tỏ ra dịu dàng hơn, đừng để con cảm thấy mẹ không gần gũi, lạnh lùng, vì đơn giản, con không phải nhân viên của mẹ. Khi người mẹ trong nhà quá mạnh mẽ dẫn đến việc người bố yếu đuối, điều này khiến hình ảnh của người bố không còn sức mạnh, can đảm như một người đàn ông cần có, như thế không thể tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ cho đứa con trông vào và có ý thức theo đuổi tinh thần đó. 3. Mẹ nghiện một thú vui nào đó và thiếu mục tiêu, động lực Khi người mẹ sa đà vào các thú vui của riêng mình, ví dụ như mạng xã hội, game, cờ bạc... và không có bất cứ động lực, đam mê nào khác trong đời sống, con cái cũng không tránh khỏi việc bị những thói xấu ấy gây ảnh hưởng. Trẻ dễ đam mê các trò game cả ngày, nếu bố/mẹ chúng cũng yêu thích game. Đơn giản vì trẻ nhìn thấy ở cha mẹ mình thói quen đó, và thụ động tiếp thu nó, dù không kiểm soát được hậu quả. Kể cả khi bố mẹ có đánh mắng, trách phạt đi nữa, trẻ cũng không thể nào từ bỏ thói xấu này, vì bố mẹ chúng không hề có biểu hiện thay đổi, làm gương cho con. Giải pháp cho những cha mẹ sa đà vào sở thích riêng: Phải dần dần từ bỏ những thói quen xấu ấy và thể hiện bản thân một cách tích cực hơn trước mặt trẻ, cho trẻ một ví dụ tốt, nếu muốn con phát triển toàn diện.
Nguồn VNE |