Ngăn chặn hành vi bắt nạt của con
Nếu trẻ nói về người khác với thái độ hung hăng, bực tức hoặc có tiền, đồ chơi không phải của mình, rất có thể con bạn đang là kẻ bắt nạt. Trang Rasing Children đưa ra lời khuyên giúp phụ huynh có hướng xử lý khi phát hiện con bắt nạt người khác. 1. Biểu hiện của hành vi bắt nạt - Trêu chọc những đứa trẻ khác nhiều lần. - Phớt lờ hoặc không cho bạn tham gia các hoạt động tập thể. - Gọi bạn bằng cái tên khác mang ý nghĩa miệt thị. - Lan truyền những câu chuyện không hay (đã và chưa được kiểm chứng) về những đứa trẻ khác. - Đánh và đẩy bạn. - Chiếm đoạt đồ của bạn. Nếu trẻ em tham gia bắt nạt hoặc khuyến khích người khác cư xử như vậy, đó cũng là một hình thức bắt nạt. Việc này có thể xảy ra trực tiếp, cũng có thể diễn ra qua mạng. 2. Dấu hiệu con bạn đang bắt nạt người khác - Nói về những đứa trẻ khác với một thái độ hung hăng, bực tức và đôi khi chửi rủa. - Quá chú ý đến vẻ bề ngoài, từ đó đưa những phán xét tiêu cực đối với những người "lệch chuẩn" so với những tiêu chí con bạn coi là đẹp. - Tỏ ra lạnh lùng, vô cảm đối với những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc những câu chuyện cần được thông cảm và sẻ chia. - Có tiền, có đồ chơi và một vài đồ dùng khác không phải của mình.
3. Phụ huynh cần làm gì khi con bắt nạt bạn? Nói chuyện với con và trường học Bạn có thể bắt đầu bằng việc giải thích cho con bắt nạt là gì, những việc con làm vì sao được coi là hành vi bắt nạt người khác. Bố mẹ hãy cho trẻ cơ hội nói ra lý do tại sao làm như vậy, tránh đổ lỗi. Sau đó, bạn hãy giúp con hiểu hành vi đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào và đặt trường hợp có người làm lại việc đó với con và gia đình, con có cảm giác ra sao. Bắt nạt là hành vi sai trái và phải chấm dứt ngay, đây là điều quan trọng nhất bạn cần nhấn mạnh cho con hiểu. Tại nhà, phụ huynh cần giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng điện thoại di động, Internet và xem tivi của con, tránh việc con xem những chương trình độc hại. Thông thường, trường học là nơi xảy ra hành vi bắt nạt nhiều nhất. Thông qua nhà trường và bạn bè của con, bạn có thể biết chuyện gì đang diễn ra. Thái độ của bạn về việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định xử phạt của trường với con bạn nếu như thật sự có hành vi bắt nạt trong trường học. Suy nghĩ về lý do tại sao con bạn có hành vi đó Việc hiểu được lý do vì sao con bắt nạt người khác có thể giúp bạn tìm ra cách chấm dứt hành vi này của trẻ. Trong nhiều trường hợp, vì trẻ bị bắt nạt nên hình thành tâm lý muốn bắt nạt người khác để giải tỏa và cảm thấy an toàn. Đôi khi, trẻ không muốn bị cô lập nên chấp nhận chơi trong một nhóm hay đi bắt nạt người khác dù không trực tiếp tham gia hành vi này. Việc trẻ thường xuyên xem các video, câu chuyện trên mạng khuyến khích bắt nạt và học theo cũng là một trong những lý do phổ biến khác. Ngăn chặn hành vi bắt nạt tái diễn - Thực hiện thỏa thuận giữa bạn, nhà trường và trẻ, bao gồm hệ quả trẻ sẽ phải chịu nếu tiếp tục hành vi bắt nạt và những điều con có thể làm thay vì bắt nạt người khác. Bạn nên yêu cầu con xin lỗi những người đã bị trẻ bắt nạt trước đó. - Luôn là hình mẫu cho con. Cần cho trẻ thấy bạn luôn đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và có tấm lòng nhân ái. - Dành thời gian cho con đi chơi, tham gia các hoạt động mang tính cộng đồng hoặc cho con học thêm một môn nghệ thuật thay vì bỏ mặc trẻ xem video trên mạng một mình.
Nguồn VNE |