Sống ở nơi không khí ô nhiễm, mẹ bầu cẩn thận kẻo sinh con nhẹ cân
Không khí ô nhiễm nặng ở một số thành phố lớn ở Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi trong bụng.
Không khí tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đang bị cảnh báo ô nhiễm nặng.
Liên tiếp những thông tin về ô nhiễm không khí khiến người dân vô cùng hoang mang. Đặc biệt, những đối tượng như trẻ nhỏ và bà bầu là dễ bị ảnh hưởng sức khỏe nhất. Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi thế nào? Cách đây không lâu, một nhóm chuyên gia tại Mỹ đã chứng minh khi bà bầu tiếp xúc với PM2.5 (thường được gọi là bụi mịn) nồng độ cao, hạt tinh ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, kiểm tra những bà bầu sống trong vòng không khí khói mù bao vây 48 tiếng bằng cách ban ngày cho họ mang theo máy đo không khí, ban đêm để máy đo không khí ở cạnh giường. Kết quả cho thấy, những bà bầu sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng, cân nặng của trẻ khi chào đời giảm 9%, chỉ số vòng đầu cũng giảm 2%. Những bà mẹ sống trong không khí trong lành không có gì thay đổi. Điều này chứng tỏ rằng, ô nhiễm không khí có liên quan đến cân nặng của trẻ, trẻ sinh ra sẽ thiếu cân và có vòng đầu nhỏ hơn bình thường. Nghiên cứu còn cho thấy, môi trường ô nhiễm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển của thai nhi ở New York.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên thai nhi. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học tại Bỉ cũng vừa công bố ảnh kết quả nghiên cứu hạt ô nhiễm không khí có thể nhiễm vào nhau thai. Họ đã kiểm tra nhau thai của 20 phụ nữ sống tại những địa điểm có mức độ ô nhiễm khác nhau. Họ dùng laser xung cực ngắn giúp các hạt carbon đen phát ánh sáng trắng nhạt khi tiếp xúc, nhờ đó đo lượng hạt có trong nhau thai. Kết quả, những bà bầu thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm môi trường có lượng carbon đen tích tụ trong nhau thai nhiều hơn. Hiện các nhà khoa học chưa chứng minh được có hay không các hạt carbon đen từ nhau thai bám vào bào thai, cũng như hệ lụy sức khỏe những hạt này để lại cho mẹ và bé. Nhưng bác sĩ Yoel Sadovsky, tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, chuyên gia về nhau thai tham gia nghiên cứu, cho biết. "Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng. Những tổn thương xảy ra trong thai kỳ có thể để lại hậu quả suốt đời cho trẻ bởi đây là giai đoạn tất cả cơ quan nội tạng đang được hình thành và phát triển". Bà bầu cần làm gì để bảo vệ sức khỏe? Để bảo vệ bản thân và thai nhi khỏi ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, mẹ bầu nên áp dụng những biện pháp sau: - Đóng kín cửa vào giờ cao điểm: Đây là một cách đơn giản và hiệu quả để ngăn những loại khói độc hại xâm nhập vào không khí trong nhà. Nếu cửa sổ có hai lớp kính thì sẽ tốt hơn. Khi không khí trong lành nên mở cửa để lưu thông không khí trong phòng. - Chú ý vệ sinh cá nhân: Thay, giặt quần áo hàng ngày, đặc biệt là sau khi ở ngoài về hạt tinh tích tụ nhiều, tốt nhất nên giặt ngay để tránh vi khuẩn và các loại virut lây nhiễm sinh sôi. - Dành thời gian hưởng không khí trong lành: Mẹ bầu nên dành 15-20 phút trong ngày đi bộ trong công viên có nhiều cây xanh để hệ hô hấp được tiếp xúc tối đa với không khí trong lành. Hiệu quả của việc này có thể sẽ chưa có tác dụng ngay nhưng chắc chắn nó sẽ tốt cho cơ thể bạn về lâu dài, vì bạn không chỉ tránh được khói thải ô nhiễm mà còn được dịp vận động cơ thể một chút.
Bà bầu cần dành thời gian đến nơi nhiều cây xanh để hít không khí trong lành. (Ảnh minh họa) - Dùng mặt nạ chống ô nhiễm: Bất cứ lúc nào ra khỏi nhà, mẹ bầu đừng quên mang theo mặt nạ chống ô nhiễm để bảo vệ hệ hô hấp khỏi khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông và khói bụi trong không khí. Đặc biệt, mẹ nên chọn loại mặt nạ, khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn PM2.5. - Uống nhiều nước: Mẹ bầu nên chú ý bổ sung nước đầy đủ để duy trì độ ẩm cho niêm mạc đường hô hấp, duy trì sự trao đổi chất để giải trừ độc tố ra khỏi cơ thể.
Theo Minh An (thoidaiplus.giadinh.net.vn) |