Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non mê sáng kiến


Cô Nguyễn Thị Tâm là tấm gương nhà giáo vững vàng về chuyên môn, tình yêu nghề và tích cực đổi mới trong quá trình giáo dục. Ảnh: T.G

Hơn 10 năm công tác trong nghề, cô Nguyễn Thị Tâm đã trải qua hầu hết các điểm trường khó, đối diện với nhiều thách thức trong cuộc sống, công việc… nhưng không  vì thế mà suy giảm tình yêu nghề, mến trẻ. 

Cô Tâm nói rằng, chọn nghề giáo và ở lại mảnh đất biên cương Hà Giang, được dạy dỗ trẻ em dân tộc… dường như là sứ mệnh mà cô được cuộc đời giao phó. 

Khó mấy cũng không bỏ nghề

Nguyễn Thị Tâm quê tại Phú Thọ nhưng có gần 20 năm sinh sống, học tập tại Hà Giang. Các thành viên trong gia đình theo lĩnh vực kinh doanh, còn cô lại quyết tâm vào nghề giáo như một lựa chọn và mong muốn duy nhất cho dù nhiều lời khuyên can nghề giáo vất vả, cực nhọc…

Năm đầu tiên ra trường, cô được phân về Trường Mầm non thị trấn Tam Sơn công tác. Sau đó tiếp tục chuyển về dạy học ở điểm trường Lùng Vái (thuộc Trường MN Cán Tỷ) xã vùng 3 đặc biệt khó khăn Cán Tỷ, huyện Quản Bạ.

Thực tế và thách thức của điểm trường Lùng Vái khi ấy khiến cô giáo trẻ khóc ròng 3 tháng. Đường vào điểm trường không thể đi xe máy, phải xắn quần lội bộ trên con đường đất lầy lội 45 phút. Phòng học thì học nhờ trong căn nhà gỗ lụp xụp của trường TH. Lớp học gần 20 HS đủ lứa tuổi từ 3 - 5. Mình cô phụ trách, phải chia tách từng nhóm rồi có phương pháp, giáo án dạy riêng…

Phụ huynh HS đa số là bà con dân tộc Mông, đời sống kinh tế khó khăn, lạc hậu, không quan tâm đến việc học hành của trẻ. Muốn có HS đông đủ, cô phải vào từng nhà có trẻ đến tuổi ra lớp để vận động. Nhiều khi đáp lại sự thiết tha của cô Tâm là cái lắc đầu và nói “đến lớp cũng vậy, không đến lớp vẫn lớn… thế nên không cần học; Để lớn bằng sào bằng gậy đi học chưa muộn…”. Thế nhưng khó khăn đến mấy cô cũng không nản lòng, mà quyết tâm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, cùng chính quyền xã thuyết phục bà con cho trẻ ra lớp.

Nhiều khi vận động được bà con cho trẻ đi học nhưng đụng đến giấy tờ như: Giấy khai sinh, hộ khẩu, đăng ký kết hôn của bố mẹ… để làm thủ tục cho trẻ hưởng chế độ chính sách thì thấy thiếu hết cái này đến cái khác. Cô lại cất công hướng dẫn bà con làm lại giấy tờ, thậm chí bà con tự đi làm giấy tờ không được vì bất đồng ngôn ngữ đã tin tưởng và nhờ cô trực tiếp chở đến UBND xã để được hỗ trợ, giúp đỡ làm lại. Tất cả những công việc cô làm chỉ hướng tới mục đích cuối cùng là trẻ được tới lớp, để cô hàng ngày chăm sóc và dạy dỗ.

“Sau 1 năm gắn bó với môi trường sống và dạy học vùng khó, em quen dần và cảm thấy gắn bó. Nhớ bản làng và những đứa trẻ thực sự. Rời điểm trường Lùng Vái, em lại xin hiệu trưởng cho nhận lớp ở điểm trường khác. Khó khăn càng tiếp thêm cho em quyết tâm bám nghề, phải cống hiến và làm “thay da đổi thịt” giáo dục mầm non vùng cao, giúp trẻ em dân tộc có cơ hội được chăm sóc, học tập...” – cô Tâm bộc bạch.

Tích cực đổi mới giáo dục

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô Tâm mang lại hiệu quả giáo dục cao. Ảnh: T.G

Có thể nói, cô giáo Nguyễn Thị Tâm là một trong những tấm gương sáng về dạy học đổi mới. Gắn bó lâu với trẻ em dân tộc cũng như bản thân luôn mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn nên cô Tâm không ngừng đổi mới và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm dạy học.

Năm học 2014 – 2015, sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp ứng dụng CNTT cho trẻ mẫu giáo làm quen với Toán học” của cô được Hội đồng sáng kiến cấp huyện công nhận. Tiếp đó, năm học 2015 – 2016, sáng kiến “Một số biện pháp tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo” tiếp tục được đánh giá cao và Hội đồng chấm sáng kiến cấp huyện công nhận.

Năm 2016 – 2017, khi được phân công dạy lớp mẫu giáo 4 tuổi cô đã hoàn thành sáng kiến “Một số biện pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” và đã được Hội đồng chấm sáng kiến cấp huyện công nhận.

Năm học 2018 - 2019, cô Tâm mạnh dạn nghiên cứu đề tài khoa học trong công tác chuyên môn “Biện pháp cải tạo sân chơi góc chơi tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên trong và ngoài lớp học”. Khi đề tài được đưa vào ứng dụng, nhiều đồng nghiệp đã tham khảo, áp dụng vào thực hiện và cùng đạt kết quả giáo dục tốt. Cho đến nay, những sáng kiến kinh nghiệm giáo dục của cô Nguyễn Thị Tâm được ghi nhận và đánh giá cao của Hội đồng chấm sáng kiến cấp huyện Quản Bạ.

Chuyên môn, năng lực vững vàng, bên cạnh vai trò GV, cô còn kiêm nhiệm thêm công tác công đoàn và công tác tổ khối chuyên môn, công tác Đảng trong nhà trường. Cô đã xây dựng kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường theo từng tháng, năm học, chỉ đạo mọi hoạt động phù hợp, sát với điều kiện thực tế của nhà trường. Với sự tìm tòi sáng tạo trong công tác, khi tham gia các hội thi về chuyên môn cô Tâm đều đạt kết quả cao…

 

Nhắc đến đồng nghiệp, Hiệu trưởng Trường MN Cán Tỷ Vũ Thị Tám có ghi nhận đầy trân trọng: “Không chỉ yêu nghề mến trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Tâm còn có chuyên môn vững vàng, gần gũi, có ý thức, trách nhiệm giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ… Những sáng kiến kinh nghiệm của cô Tâm mang lại hiệu quả giáo dục cao cho nhà trường…”.

 Nguồn https://giaoducthoidai.vn