Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những căn bệnh “tưởng lành hóa dữ” đe dọa trẻ thơ


 

Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng đang xuất hiện những căn bệnh "tưởng lành hóa dữ" khi đưa trẻ đến chốn đông người, hay cho trẻ đi ô tô rồi lãng quên...


Câu chuyện thứ nhất: Lên cơn động kinh vào thời điểm nhạy cảm

Đầu tháng 8 vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh cảnh sát cơ động giải cứu bé trai bị động kinh trên sân Thiên Trường, Nam Định trong bối cảnh đông người, ồn ào, nóng bức. Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động đã đưa cháu ra xe cứu thương và một trong hai đã nghiến răng chịu đau khi đưa tay vào miệng để cháu cắn thay vì cắn đứt lưỡi của mình. Trước đó, đầu tháng 7/2019, nam diễn viên Cameron Boyce, gương mặt quen thuộc trong các bộ phim ăn khách của hãng Disney Channel cũng đột ngột qua đời ở tuổi 20 do một cơn động kinh co giật xảy ra khi đang ngủ. Sự ra đi của Cameron Boyce ở cái tuổi còn quá trẻ khiến nhiều người ái mộ anh không khỏi bàng hoàng, còn giới y học thì cảnh tỉnh căn bệnh nan y nguy hiểm này, thường gặp ở nhóm người trẻ tuổi, dễ gây tử vong đột ngột.

 

 

Bé trai được cảnh sát cơ động sơ cứu tại SVĐ Thiên Trường, Nam Định

 

Theo Quỹ động kinh Mỹ (EF), rối loạn co giật, hay còn được gọi là động kinh là tình trạng tổn thương não đặc trưng như xuất hiện cơn kịch phát về vận động co giật chi, co cơ, cảm giác, giác quan và tâm thần lặp đi lặp lại nhiều lần, những cơn co giật có thể kéo dài từ 30 giây đến hai phút. Đôi khi xuất hiện tình trạng mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn hoặc thay đổi về trạng thái tri giác. Tỷ lệ mắc bệnh 5 - 8 ca/1.000 người, tại Mỹ căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1,2% dân số chúng, tương đương khoảng 3 triệu người lớn và gần nửa triệu trẻ em, toàn thế giới có khoảng 65 triệu phải sống chung với căn bệnh này.
Nguyên nhân gây động kinh rất đa dạng, kể cả các yếu tố xảy ra trước, trong và sau khi sinh gây tổn thương não trẻ, như người mẹ bị chấn thương khi mang thai, bị nhiễm độc chì nặng, sinh non dưới 37 tuần, trẻ nặng dưới 2.500g, ngạt khi sinh, hạ đường huyết sau sinh kèm theo suy hô hấp nặng, chảy máu não - màng não, nhiễm khuẩn thần kinh chấn thương sọ não, thiếu oxy lên não, não úng thủy, mắc bệnh rối loạn phát triển não... Ngoài ra còn có nguyên nhân do sốt, do di truyền, và cả những điều không rõ ràng đến nay y học chưa hiểu rõ nên "ngưỡng động kinh" ở mỗi người một khác. Nhiều cơn động kinh thời thơ ấu là lành tính, có nghĩa, xảy ra rất ngắn, không tiếp tục đến tuổi trưởng thành, sự phát triển và trí tuệ của trẻ thường diễn ra bình thường nhưng lại có cơn động kinh nghiêm trọng và thường liên quan đến chậm phát triển hoặc thiểu năng trí tuệ và co giật kéo dài.

Các nghiên cứu mở rộng và thận trọng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tiêm chủng gây ra chứng động kinh. Tuy nhiên, một cơn động kinh có thể xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi chủng ngừa, đặc biệt nếu sốt. Trong những trường hợp như vậy, trẻ có thể bị co giật vì sốt. Chẩn đoán động kinh có thể được thực hiện nếu trẻ đã có nhiều hơn một cơn động kinh do bác sĩ nhi khoa đảm nhận, bác sĩ đề xuất làm một số xét nghiệm chẩn đoán để nguyên nhân co giật như điện não đồ (EEG) để ghi lại hoạt động điện của não, phát hiện chứng động kinh thời thơ ấu. Một số được gọi là "lành tính" có nghĩa, chúng thường có kết quả tốt và biến mất khi trẻ bước và độ tuổi nhất định. Động kinh có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc dạng và tần suất xuất hiện. Các hội chứng khác là nghiêm trọng và khó điều trị, có thể để lại khuyết tật và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Theo Hiệp hội động kinh Anh (ES) thì can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là ngay sau khi phát hiện thấy bệnh sớm, kết hợp dùng thuốc kháng động kinh với các liệu pháp khác để kích thích sự phát triển về vận động thể chất của trẻ, tăng cường kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ để giúp trẻ phát triển trí tuệ như kỹ thuật xoa bóp, giúp trẻ lẫy ngồi, bò, đi đứng...

Về xử trí cơn động kinh cần được thực hiện đúng cách nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Rất có thể bị đứt ngón như trong trường hợp của các chiến sĩ cảnh sát cơ động ở Nam Định nói trên. Do bệnh lý khởi phát bởi sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh nên cơn động kinh thường xuất hiện bất ngờ và nguy hiểm, khiến cơn động kinh diễn ra trầm trọng hơn, thậm chí gây nguy hại cho chính bản thân người sơ cứu. Một điểm dễ thấy khi phát hiện người lên cơn động kinh là la hét, hoảng sợ, điều này khiến người bệnh trở nên căng thẳng, cơn co giật lâu phục hồi hoặc thậm chí tái phát ngay sau khi vừa hết.

Xử trí cơn động kinh trước hết là đưa trẻ tới một nơi an toàn, đặt trẻ nằm nghiêng đầu tránh nuốt phải đờm trong cơn co giật, nới rộng quần áo, không giữ chân tay khi trẻ đang co giật, đặt một cái thìa hay khăn cuộn tròn ngang miệng trẻ để trẻ không cắn vào lưỡi. Nên dọn dẹp các đồ vật xung quanh khiến trẻ khỏi bị thương. Sau cơn co giật trẻ thường ngủ, vì vậy hãy để trẻ ngủ yên. Về dùng thuốc nhất thiết phải theo sự chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dừng thuốc kháng động kinh cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Thuốc kháng động kinh (AED) có Depakine, Tegretol, Diazepam, Sodanton... Nếu AED không phát huy tác dụng, bác sĩ có thể xem xét các cách điều trị khác. Bên cạnh thuốc có thể dùng áp dụng chế độ ăn ketogen, có thể giúp giảm số lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn động kinh. Chế độ ăn kiêng là một điều trị y tế, thường được bắt đầu cùng với AED và được giám sát bởi các chuyên gia y tế và dinh dưỡng được đào tạo. Công tác giáo dục trẻ và tư vấn cho gia đình cũng rất quan trọng như phụ huynh cần cho giáo viên biết về tình trạng động kinh, thuốc uống tại trường và cách xử trí cơn co giật của trẻ. Còn giáo viên cũng cần thông báo cho các bạn học sinh trong lớp biết về những gì có thể xảy ra bạn của mình bị động kinh để các em hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tiêm chủng gây ra chứng động kinh nhưng cơn động kinh có thể xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi chủng ngừa, đặc biệt nếu là sốt. Trong những trường hợp bị co giật do sốt, trẻ có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen trước khi bị sốt theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Trẻ đã qua một cơn động kinh sau khi chủng ngừa vẫn có thể được tiếp tục.

 

Câu chuyện thứ hai: Sốc nhiệt khi bị bỏ quên trong ô tô


Theo tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) số cuối tháng ngày 27/7, cặp sinh đôi gồm một bé trai và một gái 10 tháng tuổi tên là Phoenix và Mariza Rodriguez vừa phát hiện thấy tử vong trong xe hơi tại New York hôm 26/7. Qua điều tra, người cha tên là Juan Rodriguez, 39 tuổi đã mắc một lúc hai tội là ngộ sát và giết người do bất cẩn, để quên hai đứa con mình trong chiếc xe ô tô. Theo lời khai của đương sự, sau khi làm việc cả ngày tại một bệnh viện cách nơi đỗ xe không xa mới nhớ đã bỏ quên con trên xe, từ 8 giờ sáng đến tận 4 giờ chiều. Khi mở cửa thì cả hai đã tử vong từ bao giờ. Trước sự cố nói trên, một bé gái 10 tháng tuổi ở Virginia đã trở thành nạn nhân thứ 21 chết trong xe hơi ngay trong năm 2019 này.

Đó là chuyện bên nước Mỹ xa xôi, còn ở Việt Nam, đầu tháng 8 mới đây, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân vụ cháu bé 6 tuổi tử vong trong ô tô đưa đón của một trường tiểu học. Liên quan vụ việc trên, báo chí trong nước cho hay vào khoảng 16h15 ngày 6/8, trước cổng trường, nhiều người chứng kiến cảnh một người đàn ông hớt hải bế cháu bé 6 tuổi trong trạng thái bất tỉnh từ trên ô tô 16 chỗ chạy vào trong trường. Thông tin từ người nhà cháu bé, sáng 6/8 xe của trường đón cháu đi học nhưng đến 16h45, gia đình nhận được tin dữ. Phía nhà trường cho biết thông tin, học sinh ngủ quên trên xe, đến khi phát hiện cháu đã tử vong.

Thực hư câu chuyện chưa rõ, tuy nhiên liên quan đến chuyện ngạt trên ô tô, Hiệp hội Đường bộ và Lái xe Quốc gia Australia (NRMA) cảnh báo, sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp trẻ tử vong trên ô tô không liên quan tới va chạm hay tai nạn khác. Do không gian kín, lượng ôxy bên trong xe giảm dần, trong khi nhiệt độ lại tăng lên, nên người ngủ trên xe dễ bị ngạt khí, thân nhiệt tăng cao, lịm dần rồi tử vong. Với người lớn, nếu bị bỏ quên có thể tự giải thoát được còn trẻ em thì không thể vì thiếu các kỹ năng cần thiết. Nhân đây, giới chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ đi cùng, không nên để trẻ trong xe khi không có người lớn trong xe. Theo các chuyên gia, nếu nhiệt độ ngoài trời là 20 độ, thì nhiệt độ bên trong xe có thể tăng lên tới 60 độ, 75% sự gia tăng nhiệt độ xảy ra trong 5 phút đầu tiên. Nếu ngày nóng, thì hệ lụy còn tồi tệ hơn, nếu ngoài trời là 30 độ C thì đóng kín xe chỉ một lúc sẽ tăng lên 70 độ C, điều này rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ thơ, chưa kể khí độc tích tụ bên trong. Mặt khác, do ở trong xe một mình nên trẻ dễ bị hoảng loạn về mặt tâm lý, khi đó việc tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên. Nhiệt độ tăng cao và ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể, nếu thân nhiệt vượt trên ngưỡng 41,5 độ C, nguy cơ tử vong có thể xảy ra dựa trên cơ chế, toát mồ hồi, sau đó đến cạn nước, hạ huyết áp, tim ngừng đập nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Để phòng tránh sốc nhiệt, không nên để trẻ một mình trong xe

 

Để phòng tránh sốc nhiệt, NRMA nhấn mạnh dù làm gì, bận tới đâu thì các bậc phụ huynh, người lớn cần nhớ rằng tính mạng con người vẫn là trên hết. Cần quan tâm đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô tô. Trước tiên phải có ghế ngồi trên xe và móc chốt an toàn, không để trẻ ngồi trên ghế ô tô quá lâu. Đặc biệt, cố gắng đưa trẻ ra khỏi ghế ô tô sau mỗi giờ chạy xe. Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, nếu trên xe chở trẻ em, cứ sau 2 giờ chạy xe nên ngừng nghỉ một lần, đưa trẻ ra ngoài để hóng khí. Lý do, thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và càng cao càng nguy hiểm.

Khi cho trẻ đi trên xe các bậc cha mẹ cần kiểm tra toàn bộ xe trước khi khoá cửa. Nên để đồ chơi lên ghế trước, trong tầm mắt nhìn để nhắc nhở đang có trẻ nhỏ trong xe. Xe chở trẻ cần có biển báo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, Baby in car (trong xe có trẻ). Sau khi xuống xe, việc cần làm đầu tiên là kiểm tra trẻ. Nên sử dụng xe có tính năng cảnh báo nguy hiểm để xe phát tín hiệu nguy hiểm, có tính năng "nhắc nhở ghế sau" bằng âm thanh và đèn hiệu, nhắc nhở tài xế kiểm tra trước khi rời xe.

Khi xe chở trẻ nhỏ, nên để cửa kính mở hờ, giúp lưu thông không khí. Nên đỗ xe dưới bóng râm, không nên để con trẻ trong ô tô một mình dù trời mát bởi oxy trong xe sẽ giảm dần, gây bất lợi cho sức khỏe trẻ. Tuyệt đối không ngủ trên xe đỗ trong không gian chật hẹp và dưới trời nắng nóng, vì trong trường hợp này ngay cả khi mở hết cửa xe, người ngồi trong xe vẫn có thể bị thiếu oxy, sốc nhiệt, hoặc ngộ độc khi thải động cơ. Nếu vì lý do nào đó phải ngủ trong xe cần để mở kính để thông khí và đặt báo thức để tránh nguy cơ người ngủ lịm, mất kiểm soát.

Về phía trẻ, nên trang bị những kiến thức sơ đẳng, như giữ bình tĩnh, chỉ cho trẻ biết vị trí còi xe và cách bấm còi bởi một số loại xe đời mới, máy tắt còi vẫn hoạt động. Dạy trẻ cách bấm nút hạ cửa sổ, đứng gần kính ra hiệu để tìm sự giúp đỡ, cách bật đèn khẩn cấp có hình tam giác, dùng búa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Giống như trường hợp trẻ bị động kinh, các bậc phụ huyng cần chủ động giải cứu trẻ, không phải chờ lái xe, hãy gọi cấp cứu hoặc cứu hoả. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy tìm cách nhanh chóng giúp trẻ ra khỏi xe, và đưa vào chỗ râm mát, thoáng đãng. Cởi bỏ hay nới lỏng quần áo trẻ để giảm thân nhiệt, dùng khăn mát lau người trẻ.

Nếu trẻ là học sinh do các trường đang quản lý cần thì nhà trường và gia đình thường xuyên kiểm tra môi trường học tập, vui chơi trong và ngoài trường để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là đối nhóm mầm non, tiểu học, học sinh mới chuyển cấp, chuyển trường. Ngành giáo dục cần triển khai nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em và kỹ năng sống cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên nhân viên làm nhiệm vụ trực tiếp trong nom, giảng dạy học sinh.

BS. BÍCH KIM

(Theo Forbes/EOU/EC/Usatoday- 8/2019)