Nguy cơ trẻ bị còi xương và cách khắc phục
Con trai tôi 5 tháng tuổi, được nuôi bằng sữa mẹ và ăn thêm bột từ lúc 4 tháng mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa 150ml.
Hằng tháng cháu vẫn tăng cân đều đặn. Hiện cân nặng 8,2kg nhưng cháu chưa biết lẫy, ngủ không yên giấc. Xin bác sĩ tư vấn tôi cần làm gì để cháu phát triển tốt. Nguyễn Mai Anh (Hà Nội)
Bình thường trẻ biết lẫy lúc 3-4 tháng tuổi, có trẻ chậm hơn, thậm chí trốn lẫy nhưng cũng không ảnh hưởng đến phát triển vận động sau này. Điều cần lưu ý là ở một số trẻ tăng trưởng tốt, bụ bẫm vẫn có nguy cơ còi xương do thiếu vitamin D nếu trẻ không thường xuyên được tắm nắng. Vì 80% nhu cầu vitamin D lấy từ ánh nắng mặt trời qua da vào máu và 20% từ thức ăn. Thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi, photpho gây còi xương. Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì vitamin này không được hấp thu. Vitamin D có trong thức ăn động vật như cá, trứng, sữa, nhưng nếu chỉ dựa vào khẩu phần ăn thì không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D cho cơ thể nên trẻ dễ bị còi xương. Biểu hiện của còi xương sớm là trẻ ngủ không ngon giấc, hay giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu, chậm biết lẫy bò... Để phòng tránh còi xương thì bạn nên thường xuyên cho bé tắm nắng vào buổi sáng khoảng 15-30 phút mỗi ngày, bằng cách để hở chân tay bé cho da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tiếp tục cho bé bú mẹ và chỉ ăn thêm mỗi ngày một bữa bột (khoảng 150-200ml) cho đến khi bé được 7 tháng tuổi thì tăng dần lên 2 bữa, mỗi bữa khoảng 200ml. Các bữa bột cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (bột gạo, thịt (cá), rau xanh và dầu mỡ...). Nếu trẻ bị còi xương thì phải điều trị bằng vitamin D và canxi theo chỉ định của bác sĩ. PGS.BS. Đào Ngọc Diễn Nguồn SK&ĐS |