Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện thầy giáo Lý A Phông


Ngày đầu tiên của năm học mới, thầy giáo Lý A Phông bận rộn hơn với công việc hướng dẫn, dỗ dành 9 em bé người dân tộc Mông đến nhập học vào lớp 1. Là người dân tộc Mông, lại có 6 năm kinh nghiệm đứng lớp 1, nên chẳng mấy chốc, lớp học nhỏ tại điểm trường Khu Nhồi của thầy Lý A Phông đã ríu rít tiếng nói cười.

Từ ước mơ trở thành thầy giáo…

Sinh ra tại thôn Nhồi (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), từ nhỏ cậu bé Lý A Phông đã rất ham học. Tuổi thơ lấm lem bùn đất, bữa đói bữa no ở các lớp học trong xã, đến những năm gánh gạo đi trọ học tại trường Trung học phổ thông Lương Sơn dưới thị trấn Yên Lập – lúc nào cậu bé Phông nhỏ nhắn cũng luôn đến lớp đúng giờ và rất chăm chỉ học tập.

Tốt nghiệp lớp 12 với ước mơ trở thành giầy giáo, Lý A Phông thi vào Khoa Tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương và trở thành người đầu tiên ở Khu Nhồi, xã Trung Sơn học đại học.

Thầy giáo Lý A Phông cùng các em học sinh lớp 1 chuẩn bị cho năm học mới

Sau khi học xong Trường Đại học Hùng Vương, Lý A Phông được phân công về Trường tiểu học Trung Sơn B dạy lớp cắm bản tại thôn Nhồi, xã Trung Sơn. Đây là khu tập trung sinh sống của 42 hộ đồng bào Mông, cách xa trung tâm xã Trung Sơn 16 km. Năm 2013 - thời điểm Lý A Phông về làm thầy giáo, thôn Nhồi không có đường, không điện, không trường học.

“Lớp tôi dạy chỉ có từ 7 - 10 em, đều là con em đồng bào Mông. Là trẻ em vùng sâu, vùng xa, các em chưa hiểu, chưa nói thạo tiếng phổ thông nên việc dậy dỗ không đơn giản. Nhiều khi nhìn học trò nhỏ xíu, đến lớp với cái bụng đói, nhút nhát, tự ti… mà thương các em ứa nước mắt” – Lý A Phông tâm sự. Thương các em, Phông lại nghĩ tới bản thân mình, nếu trước đây không có sự kèm cặp, động viên của các thầy cô, Phông đã không được như ngày hôm nay.

Từ suy nghĩ này, thầy giáo Phông đã tìm mọi cách khắc phục, giảng dạy để các em dễ hiểu nhất. Vừa dạy kiến thức, Phông vừa giúp các em có được thói quen sinh hoạt sạch sẽ, vệ sinh, vun đắp cho các em ước mơ tốt đẹp. Với lợi thế biết cả tiếng Mông và tiếng phổ thông, tình cảm thầy - trò giữa Phông và học sinh luôn gắn bó, kết quả học tập nhờ đó cũng ngày một tốt hơn.

… đến tấm lòng hết mình vì thôn, bản

Trước năm 2013, học sinh dân tộc Mông ở thôn Nhồi thường xuyên nghỉ học để lên nương làm rẫy, đa số các em học hết lớp 5 là nghỉ ở nhà. Tỷ lệ học cấp 2 rất ít, không có học sinh học cấp 3 và học chuyên ngành. Phụ huynh không mấy ai quan tâm đến việc học hành của con em. Đặc biệt, các cháu gái lại càng không cho đi học vì sợ đi học về lười lao động, học xong về lấy chồng bố mẹ mất công nuôi mà lại chẳng được hưởng…

Trăn trở trước thực tế này, Lý A Phông đã vào tận nhà các gia đình vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học và tác hại của việc không học, không biết chữ. Nhờ những cố gắng này của Phông và các thầy cô, từ năm học 2013 - 2014 các em học sinh tiểu học khu Nhồi đi học ổn định và đảm bảo sĩ số cho đến nay.

“Phụ huynh tin tưởng vì có tôi là giáo viên người bản địa. Nhờ biết tiếng Mông, tôi cũng dễ dàng kết nối giữa giáo viên vùng xuôi và phụ huynh. Học sinh tự tin, hiểu biết hơn vì tôi có thể giải thích bằng tiếng Mông mỗi khi các em cần trợ giúp. Đến nay, đồng bào Mông ở thôn Nhồi đã có 5 người trình độ đại học, 1 học viên đang thực tập sinh tại Isarel, 2 người trình độ cao đẳng, 1 người trình độ trung cấp… So với chục năm trước, đây là sự thay đổi lớn lao” – Lý A Phông phấn khởi chia sẻ.

Không chỉ dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho công việc giảng dạy, tại các buổi sinh hoạt, họp thôn, Lý A Phông luôn mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến, tuyên truyền cho bà con về ổn định nơi cư trú, không di cư tự do để có thời gian phát triển kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, với đặc thù 100% hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Nhồi theo đạo Thiên Chúa, Phông còn chủ động phối hợp với Ban hành giáo vận động, hướng dẫn các hộ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước”.

Giờ đây, vào khu Nhồi đã có đường bê tông, trường học kiên cố, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại… 100% số hộ đồng bào Mông đã định cư ổn định, biết thâm canh lúa nước, trẻ em đến tuổi đều được đến trường. Trong niềm vui chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Lý A Phông…

Nguồn https://congthuong.vn/