Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sốt phát ban ở trẻ cần kiêng gì và cách chăm sóc ra sao?


 

Sốt phát ban là bệnh phổ biến gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh sốt phát ban ở trẻ em nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây nên biến chứng như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa...


 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Thạc sỹ, Bác sỹ Đinh Thạc - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Sốt phát ban ở trẻ là bệnh rất dễ lây nhiễm và có thể lây lan ra rất nhanh do tiếp xúc với dịch tiết ra từ nước mũi hoặc cổ họng người nhiễm bệnh trước khi biểu hiện ra những triệu chứng. Thời gian ủ bệnh thường là 7 ngày.

Sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, do một số loại virus như virus sởi, virus Rubella hoặc virus đường ruột ECHO gây nên. Hệ miễn dịch của trẻ em ở giai đoạn 6 - 36 tháng tuổi còn yếu nên virus rất dễ tấn công.

 

Nguyên nhân và lây lan sốt phát ban ở trẻ nhỏ

 

- Sốt phát ban là bệnh lây nhiễm do siêu vi HHV6 (human herpes 6) hoặc do siêu vi HHV6 (human herpes 7) gây nên.

- Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người đang bị nhiễm bệnh hoặc qua các vật dụng cá nhân. Bệnh không lây truyền qua giao tiếp.

Người lớn chưa từng bị bệnh nếu tiếp xúc với trẻ bị sốt phát ban thì rất có thể sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng. Nếu không bị phát ban mà chỉ bị sốt nhẹ, thì bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus qua con cái của mình và những thành viên khác trong gia đình của mình thông qua dịch tiết hô hấp, nước bọt.

 

Một số hình sốt phát ban ở trẻ

 

 

Xuất hiện các chấm nhỏ, dày trên da trẻ. Ảnh minh họa

 

Triệu chứng thường gặp của sốt phát ban ở trẻ

- Trước phát ban: Trẻ sẽ có những biểu hiện quấy khóc, sốt. Với từng loại nguyên nhân gây sốt phát ban thì lại có biểu hiện sốt khác nhau:

+ Sốt phát ban do sởi

+ Trẻ thường sốt cao kèm ho


+ Chảy nước mũi và mắt đỏ

+ Sốt phát ban do rubella trẻ chỉ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc không sốt

- Trong phát ban: Sau khi trẻ hạ sốt thì ban bắt đầu nổi lên. Trẻ sẽ có những biểu hiện kèm theo như: tiêu chảy, phân hơi lỏng. Ban thường lan từ mặt xuống cổ, ngực, bụng và các chi hình thành các bọc nước màu đỏ. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt ban thường lưu lại trung bình trong khoảng 3-5 ngày.

- Sau phát ban: Nếu trẻ được chăm sóc đúng cách thì sẽ không để lại những vết thâm cho trẻ. Trong trường hợp nhiễm khuẩn có thể để lại vết lở loét và hình thành sẹo.

- Một số dấu hiệu và triệu chứng khác có thể gồm:

+ Khó chịu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

+ Tiêu chảy nhẹ

+ Ho

+ Ói mửa, buồn nôn

+ Chán ăn

+ Sưng mí mắt

Trẻ bị sốt phát ban có nguy hiểm không?

Cha mẹ có thể biết con bị sốt phát ban khi trẻ có các triệu chứng sốt nhẹ 37,5 -38 độ hoặc sốt cao đến 39, 4 độ. Thời gian ủ bệnh sốt phát ban trung bình là 7 ngày. Khi tình trạng sốt giảm thì trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban trên người. Cụ thể như:

Nốt phát ban đỏ do virus sởi gây ra: trẻ có triệu chứng sốt, nốt ban nổi khi sốt sẽ giảm dần. Nốt sởi sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan xuống ngực, bụng và ra toàn thân của trẻ. Sau đó ban sởi lặn mất theo thứ tự xuất hiện.

Khi biến mất sẽ để lại những vết thâm trên da. Trẻ bị sốt phát ban dạng này có thể có các triệu chứng như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt. Cha mẹ cần chú ý virus sởi này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như các biến chứng về viêm phổi, viêm não do virus.

Ban do virus rubella hay còn gọi là ban đào: Loại phát ban này lúc đầu sẽ xuất hiện ở mắt sau đó lan xuống dưới chân. Trẻ có thể sẽ có những dấu hiệu kèm theo tình trạng như sưng hạch sau tai, hạch cổ, đau khớp. Tình trạng sốt phát ban này lành tính đối với trẻ, không gây ra biến chứng hay nguy hiểm.

Cách hạ sốt phát ban cho trẻ

Giai đoạn bé sốt cao cần hạ sốt cho trẻ. Bậc cha mẹ cần chú ý:

- Đối với trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng: Nếu thấy trẻ sốt cao thì cần gặp bác sĩ và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc.

- Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi: Nếu không có hiện tượng mệt mỏi, bỏ ăn thì không cần phải cho trẻ uống thuốc. Nếu sốt cao quá 38 độ cho trẻ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng của trẻ, 6 giờ sau nếu bé vẫn sốt thì tiếp tục cho uống với liều lượng như vậy. Nhưng tốt nhất, khi dùng thuốc uống cho trẻ nên có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

 

 

Nếu sốt cao quá 38 độ cho trẻ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Ảnh minh họa

 

Trẻ em bị sốt phát ban cần kiêng gì?

- Không để trẻ dùng tay gãi lên da

- Đồ ăn cay nóng cũng là những thực phẩm hạn chế tối đa khi trẻ đang bị sốt

- Không ăn những loại thực phẩm khó tiêu, nước lạnh, nước đá và kem

- Không để cho trẻ uống những loại nước ngọt, đồ uống có ga, nước mà có quá nhiều đường

- Chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ hấp thụ và không bị chán ăn khi cơ thể bị sốt

Cách chăm sóc cho trẻ khi bị sốt phát ban

- Bổ sung vitamin A với liều lượng phù hợp trong thời kỳ trẻ bị sốt phát ban

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn mọi ngày, các loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe để cải thiện sức đề kháng.

 

 

Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Ảnh minh họa

 

Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ em như nào?

- Sốt phát ban dễ lây trong các môi trường như ở nhà trẻ, trường học, nên bạn cần cách ly tốt cho trẻ và nên để trẻ ở nhà khi bị bệnh.

- Hiện nay chưa có vắc xin phòng sốt phát ban nên không để trẻ tiếp xúc với người bệnh.

- Hướng dẫn trẻ và những thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch.

- Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.

Cùng với sốt phát ban, sốt siêu vi ở trẻ hay sốt xuất huyết cũng dễ xuất hiện ở bất kỳ mùa nào. Nếu có con nhỏ, bạn nên tìm hiểu thông tin rõ để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ có những dấu hiệu:

- Trẻ sốt cao trên 39,4°C

- Trẻ bị co giật

- Trẻ thở nhanh, khó thở hoặc thở mệt

- Ngủ li bì, hôn mê

- Trẻ bị sốt phát ban và sốt kéo dài hơn 7 ngày

- Phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày

Nếu trẻ có bất kỳ những dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp nhất.

 

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Đinh Thạc – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Khám phá)