Một mình cô giáo phải quản 42 đứa trẻ, 30 trẻ mầm non, 12 trẻ mẫu giáo, vừa dạy học vừa nấu cơm, nâng niu, bế ẵm từng đứa…
Vượt qua nhiều con đèo, con suối, chúng tôi đến với điểm trường Nộc Cốc của xã Vàng Đán (Nậm Pồ, Điện Biên), một điểm trường mới được xây dựng lại sau vụ cháy bất ngờ.
Nằm dưới “hủm” của một con dốc 60 độ, đường vào trường được thầy Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ giới thiệu, đó là con đường mà các thầy cô bỏ công sức ra làm.
Với 4 căn nhà ghép tôn, ghép gỗ, điểm trường Nộc Cốc là nơi học tập của gần 50 em nhỏ tại thôn Nộc Cốc.
Điểm trường Nộc Cốc 1, xã Vàng Đán
Ngoài 1 gian phòng, gọi là gian phòng nhưng thực tế là những miếng tôn ghép, dành cho các em học sinh tiểu học, số phòng còn lại là dành cho cả lớp học mầm non và lớp học nhà trẻ.
Hôm nay, thầy giáo của lũ trẻ Tiểu học đi ra huyện có việc, cả điểm trường chỉ còn lại cô giáo Vừ Thị Kía.
Đang là giờ sinh hoạt, học tập ngoài trời, lũ trẻ mỗi nhóm một góc, nhóm lớn đi nhặt cỏ hoa, nhặt rác, lũ nhỏ đang sắp xếp lại đồ dùng học tập của mình trong góc căn nhà gỗ lớp nhóm trẻ.
Tiếng cười, tiếng thảo luận xôn xao bằng tiếng dân tộc xen lẫn tiếng phổ thông của lũ trẻ thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi tiếng khóc thét lên của một thành viên nào đó.
Cặm cụi ‘nhặt’ từng đứa trẻ, xếp chúng vào lớp, cô Vừ Thị Kía cũng chẳng để ý mình có khách.
Khi nhận ra có khách, cô Kía vừa tiếp chuyện vừa ổn định lại lũ trẻ. Mọi công việc được giao, các thành viên nhí vẫn thực hiện. Tiếng khóc cứ khóc, tiếng cười cứ cười…
Tiếp chuyện chúng tôi, cô Kía cho biết, điểm trường Nộc Cốc này hiện tại chỉ có 1 mình cô phụ trách bao gồm 30 trẻ mẫu giáo và 12 trẻ lớp nhà trẻ.
Hàng ngày ngoài đón trẻ, dạy những bài học đầu tiên trước ngày khai giảng, cô Kía vẫn phải nấu cơm, chia thức ăn cho từng nhóc.
Một tay cô thoăn thoắt làm cả.
Chúng tôi ngạc nhiên bởi lớp đông trẻ như vậy làm sao cô quán xuyến kịp. Cô Kía bảo, phải cố thôi anh ạ, chứ biết làm sao.
Em đang đợi giáo viên mới vào, có khi phải sau ngày khai giảng.
Trước đây ở điểm trường Nộc Cốc có 2 chị em nhưng sau này cô giáo kia chuyển đi rồi nên chỉ còn cô Kía ở lại.
Đem chuyện cô Kía hỏi cô Lò Thị Khoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Đán, cô Khoa cho biết “Chúng em cũng đã cố đợi giáo viên mới về để sắp xếp phân công ạ.
Hiện tại, tại trường Mần non Vàng Đán, để mỗi cô một lớp thôi, chúng em vẫn còn thiếu 8 giáo viên, còn để đáp ứng theo yêu cầu của ngành giáo dục còn thiếu 17 cơ ạ.
Điểm Nộc Cốc chúng em cũng đang phải đợi giáo viên mới về công tác mới phân công công tác được”.
Thầy Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, việc giáo viên mầm non ở Nậm Pồ bỏ việc không phải là hiếm, việc tuyển cũng rất khó khăn vì không có chỉ tiêu.
Giáo viên ở vùng sâu, vùng xa dù rất yêu nghề nhưng cũng rất khó giữ chân họ ở lại.
Với 7 năm trong nghề, lại lấy chồng ở địa phương nên cô giáo Vừ Thị Kía có thể gắn bó với nghề còn với người khác có lẽ chưa chắc.
Với 42 đứa trẻ tíu tít suốt cả một ngày lại còn phải cơm nước, vệ sinh cho chúng, cô Vừ Thị Kía chẳng khác gì siêu nhân giữa núi rừng.
Ở Nậm Pồ, không ít các thầy cô giáo vì hoàn cảnh phải biến mình thành những siêu nhân đa năng khi phải tự xây dựng trường, dựng lớp, làm đồ chơi cho các em học sinh.
Ở điểm trường Nộc Cốc, 4 nhà ghép tôn, ghép gỗ cũng là sản phẩm của các thầy cô giáo bỏ ngày công, công sức lao động để xây trường, dựng lớp cho các em.
Dẫu sản phẩm chưa hoàn hảo nhưng các thầy cô vẫn đảm bảo có trường, có lớp, có tiếng ê a của học trò trong lòng núi.
Những hình ảnh phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi lại tại lớp học của cô Vừ Thị Kía:
Học sinh lớp mẫu giáo lớn đang tự chơi.
Cô giáo Kia đang xếp lớp nhà trẻ
Các nữ sinh lớp mầm non nhặt cỏ trong buổi học em yêu thiên nhiên
Chuẩn bị đổ rác
Sắp xếp đồ ăn, thức đựng của mình vào chỗ cho ngăn nắp
Cô giáo Kía phải can thiệp, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên
Sắp xếp từng bạn
Xong lớp lớn quay lại lớp bé
Bên trong lớp nhà trẻ của cô Kía
Học sinh của cô Kía
Cậu út bé nhất lớp, hay khóc nên được cô Kía cưng chiều
Lớp học vất vả, khiến thầy Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cũng thấy ái ngại
Con đường mà các thầy cô tự làm mong cho các con đi học không bị trượt ngã khi ngày mưa
Nguồn https://giaoduc.net.vn
|