Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ em: BS chỉ rõ ba dấu hiệu vàng để cứu trẻ


 

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn (VMNNK) hiện vẫn là một bệnh phổ biến khắp thế giới, là một trong những bệnh nhiễm khuẩn thần kinh hay gặp nhất ở trẻ em chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi.

 


Tác giả bài viết: TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương


Viêm màng não nhiễm khuẩn là một dạng bệnh nhiễm trùng của màng não và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

 

Tuy nhiên, không nên chủ quan với bệnh viêm màng não ở người lớn, bởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tê liệt chân tay, động kinh, điếc, mù, phù não, hôn mê thậm chí tử vong.

 

Nguyên nhân gây viêm màng não nhiễm khuẩn

 

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh thường là kết quả của nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết). Những vi khuẩn gây viêm màng não thường gặp là Streptococci nhóm B, Escherichia coli và Listeria monocytogenes...

 

Trẻ nhỏ và trẻ vị thành viên bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với các chất tiết qua đường hô hấp có chứa vi khuẩn gây bệnh (ví dụ như nước bọt hay chất nhầy từ mũi...).

 

Có 3 loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên bao gồm Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae tuýp b (Hib) và viêm não mô cầu (Neisseria meningitidis).

 

- Viêm màng não do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)

 

Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm màng não do phế cầu khuẩn chính là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

 

Việc điều trị viêm màng não trẻ em do phế cầu khuẩn gây ra ngày càng khó khăn bởi việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả.

 

- Viêm màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenza tuýp B)

 

Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ không được chủng ngừa. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ trong khoảng từ 1 - 3 tuổi.

 

Bệnh viêm màng não trẻ em do vi khuẩn Hib chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp.

 

Khi mắc bệnh, thời gian ủ bệnh thường dưới 10 ngày. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và thường xảy ra trong những ngày đầu tiên.

 

- Viêm não mô cầu (Neisseria meningitides)

 

Viêm màng não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau (phối hợp hoặc riêng rẽ) tại nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ như hệ thần kinh, mắt, đường hô hấp, màng tim, máu, khớp, đường tiết niệu và sinh dục. Tuy nhiên, hai bệnh thường gặp và quan trọng hơn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Trong đó, nhiễm trùng huyết tối cấp là nguyên nhân gây tử vong nhanh chóng, mặc dù bệnh đã được điều trị tích cực.

 

Viêm màng não trẻ em do mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 1 - 10 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột, với các dấu hiệu tương tự bệnh cảm cúm như: nhức đầu, ho, đau họng, mệt mỏi...

 

Hiện nay việc không tiêm phòng vaccine hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ đã khiến nhiều trẻ em bị viêm màng não do vi khuẩn có thể gây tử vong trong 24 giờ, hoặc có thể gây tàn tật suốt đời.

 

 

Hình ảnh màng não viêm và màng não bình thường. Ảnh minh họa


Các triệu chứng của viêm màng não nhiễm khuẩn là gì?

 

Việc phát hiện ra viêm màng não khá là khó khăn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, vì các triệu chứng của viêm màng não không phải lúc nào cũng giống nhau trong tất cả các trường hợp. Ngoài ra, chúng cũng không biểu hiện theo bất kỳ thứ tự cụ thể nào. Các triệu chứng như sốt cao, cổ cứng và nhức đầu dữ dội là những dấu hiệu rõ rệt nhất.

 

Các dấu hiệu khác của viêm màng não bao gồm:

 

- Nhạy cảm với ánh sáng

- Nôn vọt không liên quan đến bữa ăn

- Kém ăn hoặc bỏ bú

- Rối loạn ý thức từ ngủ gà cho đến hôn mê

- Co giật

- Liệt thần kinh khu trú

- Phát ban trên da...

Nếu bé bị bệnh, mẹ có thể nhận thấy một số trong những triệu chứng này, nhưng những triệu chứng này cũng xuất hiện trong những bệnh khác. Tuy nhiên, để chắc chắn, nếu bố mẹ nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khả năng con có thể bị viêm màng não, cần đưa bé tới bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

 

Ba dấu hiệu vàng để cứu trẻ

 

Biểu hiện lâm sàng của trẻ bị viêm não màng não thường phối hợp các triệu điển hình như sau:

- Sốt cao đột ngột, quấy khóc, bú kém, li bì, mệt mỏi

- Hội chứng màng não: Trẻ sẽ có các dấu hiệu cơ năng như: nôn tự nhiên, đau đầu (ở trẻ nhỏ thường quấy khóc hoặc khóc thét từng cơn) và táo bón hoặc ỉa lỏng (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ)

- Trẻ có thể sẽ có thêm triệu chứng cứng gáy, thóp căng phồng (ở trẻ nhỏ).

 

 

Sốt cao đột ngột, quấy khóc, bú kém, li bì, mệt mỏi là một trong 3 biểu hiện lâm sàng của trẻ bị viêm não màng não. Ảnh minh họa

 

Điều trị viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ em như thế nào?

Nếu trẻ bị viêm màng não cần ở lại bệnh viện để điều trị và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng. Để loại bỏ các vi khuẩn, bác sĩ sẽ dùng một số loại kháng sinh mạnh, thấm tốt vào màng não.

Mặc dù bệnh rất nguy hiểm, nhưng tỷ lệ chữa khỏi bệnh khá cao, khoảng 85%, miễn là bệnh được chẩn đoán sớm trong giai đoạn đầu khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Đó là lý do bác sĩ khuyên mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu nghi ngờ trẻ bị viêm màng não.

Cách phòng tránh bệnh viêm màng não ở trẻ em

Tiêm phòng là cách ngăn ngừa hiệu quả cho trường hợp trẻ mắc viêm màng não. Tại Việt Nam hiện đều có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ.

 

Nguồn Khampha