Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thấy vui khi con trẻ đến trường


Thời gian làm việc của các cô giáo bắt đầu từ 3-4 giờ sáng nhưng họ vẫn bám bản, bám làng để duy trì lớp học.

Vùng biên giới các tỉnh Gia Lai, Kon Tum những ngày đầu tháng 8 chìm trong mưa giăng.

Đến thăm giáo viên đang chăm sóc, dạy trẻ ở các điểm trường dọc vùng biên giới, đại tá Hoàng Ngọc Thành - Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) - cho biết tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, trước đây con em đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) hằng ngày vẫn theo cha mẹ lên nương rẫy. Để các cháu được đến trường, cán bộ và chiến sĩ của đơn vị phải vừa nỗ lực tuyên truyền vừa tập trung xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo để các cháu có chỗ học. "Cô giáo được tuyển qua các lớp đào tạo do binh đoàn phối hợp với ngành giáo dục các tỉnh Gia Lai, Kon Tum tổ chức hoặc từ các trường sư phạm, đều là những người nhiệt tình, trách nhiệm, thực sự xem các cháu như con em mình".

Giờ học múa của các cháu ở điểm trường mầm non đội 10, Công ty 75

Đưa được toàn bộ trẻ dưới 7 tuổi vào các trường mẫu giáo, nhà trẻ để nuôi dạy là cả quá trình dài, không đơn giản. Các cô giáo phải quên những ngày hè để bám làng, bám bản vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Thời gian đầu, các cô phải luân phiên đến từng nhà vận động cha mẹ cho các cháu đi học, sáng đón từng cháu, chiều trả tận nhà. Chính tình cảm của các cô giáo đã làm yên lòng người dân, thành tiền đề để có được số trẻ đến lớp trên vùng biên giới đông như bây giờ.

Điểm trường mầm non Công ty 75 ở đội 10 cách trụ sở khoảng 10 km. Cô giáo Lê Thị Duyên dạy ở đây cho biết do đặc thù của đơn vị nên giáo viên ở trường không nghỉ hè. "Kể từ lúc ra trường rồi về đây công tác đã 16 năm, tôi chưa có ngày nghỉ hè nào. Các đồng nghiệp khác cũng thế".

Đặc biệt hơn thế là thời gian làm việc của các cô giáo ở đây bắt đầu từ 3-4 giờ sáng. Vì khi mặt trời chưa ló dạng, phụ huynh đã phải mang con đến trường gửi để đi cạo mủ cao su. Vậy nhưng những nữ giáo viên mà chúng tôi gặp đều cho biết ước mơ bây giờ không phải là mùa hè để nghỉ ngơi, du lịch mà là trường lớp được xây dựng thêm, to đẹp hơn, thu hẹp khoảng cách từ nhà đến trường, để các cháu đến lớp nhanh hơn, đỡ phải đối mặt với những khi thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, dù vẫn còn những khó khăn nhất định do giá cao su xuống thấp nhưng lãnh đạo Binh đoàn 15 vẫn ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 11 trường mầm non với 130 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng, các đội sản xuất, trong đó có 83 điểm ở khu vực biên giới, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Hiện đơn vị đã có 670 cán bộ quản lý, giáo viên, nhận chăm sóc, nuôi dạy 6.836 trẻ mầm non, trong đó 2.490 cháu là con em đồng bào DTTS. Trong mạng lưới đã có 4 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Con em đồng bào DTTS khi đến học sẽ được các công ty hỗ trợ tiền ăn bán trú 3.000 - 6.000 đồng/cháu và không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào.

"Tôi cũng muốn có những mùa hè đầm ấm bên gia đình nhưng nghĩ tới các cháu ở các buôn làng không ai nuôi dạy rồi thất học, dãi nắng dầm mưa ngoài trời, vậy là tôi tình nguyện vui mùa hè cùng các cháu" - cô giáo Nguyễn Thị Trâm ở điểm trường mầm non 715 tâm sự. 

Nguồn https://nld.com.vn